Chiếc cà vạt trên áo các ông bầu

baukien1Một nền thể thao không thể vững mạnh, không thể tạo ra những trận cầu cháy vé khi những CLB chỉ như một phương tiện PR hình ảnh cá nhân, thậm chí, chỉ có ý nghĩa như một chiếc cà vạt trên áo các ông bầu

Có người đã xếp hàng suốt 12h đồng hồ. Có người “mang chăn chiếu” ra sân Mỹ Đình “hành xác” từ 2-3 giờ sáng. Có người mang theo nước “tắm cho mát” khi vạ vật chờ mua vé dưới cái nắng 38 độ. Có người chấp nhận mua vé với giá cắt cổ khi giá vé trận Asenal- Việt Nam “tăng theo giá vàng”. Tất cả chỉ để được một lần nhìn thấy bằng xương bằng thịt những ngôi sao lừng lẫy đang thi đấu ở…Premier League. Và, có lẽ cũng lâu lắm rồi, các SVĐ ở Việt Nam mới lại xuất hiện..cò.
Nhưng cũng chính những CĐV cuồng nhiệt đó, đang gần như tẩy chay V-League. Sẽ phải rất kiên nhẫn khi đọc những con số thống kê lạnh lùng: Nếu năm 2009, số khán giả bình quân đến sân bóng là 10.326 người/trận thì năm 2012, con số đó chỉ còn 7.760 người/trận. Chẳng ở đâu như ở VN, văn phòng Ủy ban phải có trát xuống các đơn vị huy động người đi xem đá bóng. Chẳng ở đâu, CLB phải bỏ tiền thuê CĐV đi xem như ở Hà Nội. Chẳng ở đâu, CĐV hễ đến sân là được uống bia miễn phí.
Ai cũng biết đưa khán giả đến sân nhiều hơn là cách thức để bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào các ông bầu và tự đứng vững trên đôi chân của mình, nhưng rõ ràng, khán giả đến SVĐ, có nơi thậm chí không có cả một cái nhà wc để “giải quyết nỗi buồn”- không phải để xem những vở kịch vụng, xem các ông bầu khoe mẽ như showbiz.
Trở lại với cơn sốt vé trước trận Asenal- VN, tất nhiên, có những dấu hỏi được đặt sau những dòng tin 10 triệu đồng/cặp vé chợ đen. Nhưng sự hâm mộ là có thật. Nhưng tình yêu với trái bóng là có thật. Và khi đọc những dòng tin về cơn sốt vé này, sẽ có rất nhiều người ngậm ngùi.
Những cầu thủ của CLB bóng đá Hà Nội chẳng hạn. Tin thời sự là bầu Kiên vừa bị khởi tố bổ sung về tội trốn thuế, tội danh thứ 4 của ông bầu lừng lẫy một thời. Nhưng CLB bóng đá Hà Nội thì đã vào dĩ vãng từ lâu bởi ngay mùa giải đầu tiên sau khi bầu Kiên bị bắt, họ đã không còn thi đấu với V-League. Nói đến bóng đá, không thể không nói đến bóng chuyền. Nói đến bầu Kiên, không thể không nói đến… tuyển thủ quốc gia Đặng Thị Hồng. Cây chuyền 2 lừng lẫy một thời vừa bị “hất ra đường” trong cảnh bụng mang dạ chửa. Chỉ rất nhanh chóng bằng một quyết định giải thể của ngành dầu khí. Chỉ với lý do duy nhất nằm trong mấy chữ “bất khả kháng”. Chỉ với con số duy nhất: 4 tỷ đồng, và một thỏa thuận chuyển giao không đạt được.
Một tuyển thủ quốc gia, một người lao động mất việc cực bất ngờ, cực đơn giản. Lần này không phải do ông bầu bị bắt mà do ông bầu bất khả kháng, hoặc có khi đơn giản hơn nhiều là không thích nữa.
Một nền thể thao không thể vững mạnh, không thể tạo ra những trận cầu cháy vé khi những CLB chỉ như một phương tiện PR hình ảnh cá nhân, thậm chí, chỉ có ý nghĩa như một chiếc cà vạt trên áo các ông bầu.