Pháo đài Cô Lin và cây xương rồng Trường Sa

anh1Hăm bảy tháng giêng âm lịch năm nay trời bỗng đổ mưa tầm tã. Bữa nay, đúng vào ngày giỗ chung của những người lính Gạc Ma. Trên ban thờ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm trong một căn nhà nhỏ ở Thái Bình, một đĩa khoai luộc được đặt trước di ảnh. Ở Lê Hồ, Hà Nam, 2 người anh của liệt sĩ Trần Văn Bảy mắt đẫm lệ đốt lên một nén nhang. Còn thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ánh mắt ông xa xăm đâu đó. Trong góc vườn nhà, cây xương rồng mà ông mang về từ Trường Sa dường như trổ hoa. Rất đỏ.


Tính ngày âm là vừa đúng 26 năm. 6h sáng ngày 14.3.1988, sau khi tàu QH 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị lính Trung Quốc tấn công phía Gạc Ma, Tàu HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vừa cắm cờ trên bãi đá Cô Lin cũng bị tấn công dữ dội.
Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cũng như hệ thống điều khiển bị đạn 100 ly bắn ở cự ly gần, bốc cháy dữ dội. Điện mất, xuống đến tầng hầm thứ 2 đã nhìn không rõ bàn tay. Con tàu, thời điểm đó lớn nhất trong lực lượng hải quân, gần như bị mất lái xoay vòng vòng trong sóng to gió lớn trong khi tàu Trung Quốc gần như trút hết hỏa lực vào phía mạn phải.
“Lúc đó tôi bình tĩnh lạ lùng”- thuyền trưởng Lễ nhớ lại- tôi nói với anh em bằng mọi cách phải giữ tàu bởi nếu tàu chìm thì coi như là mất đảo.
Trong bóng tối đen kịt của tầng thứ 5, tầng đáy tàu, giữa thời khắc sinh tử, với đạn pháo bắn như mưa vào mạn tàu, những người lính hải quân vẫn bình tĩnh sửa máy.
15 phút đó dài như một thế kỷ.
Và con tàu nặng nề, bằng hệ thống lái cơ, từ từ quay mũi. Và trong cảnh lửa cháy đùng đùng, pháo bắn rát mặt, HQ 505 lao hết tốc lực ủi bãi Cô Lin để rồi sau đó, cả con tàu như một pháo đài khổng lồ án ngữ đảo đá.
Ngay khi giữ được Cô Lin, Thuyền trưởng Lễ quyết định hạ xuồng cứu sinh chạy sang Gạc Ma, cách đó chừng 4 hải lý để cứu đồng đội trong cảnh lính Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn.
“Sinh tử. Vâng, đó là sinh tử”- lời thuyền trưởng Lễ- nhưng đã là đồng đội thì lúc đó không ai nghĩ đến chuyện sinh tử nữa. 44 người, cả thương binh, tử sĩ đã được vớt đưa về tàu 505.
Câu chuyện đến đây thì chìm trong yên lặng. Không khó để biết rằng trong ánh nhìn xa xăm của người lính già là những hình ảnh bi hùng của 36 năm trước tưởng như vẫn còn ngay trước mắt.
Vòng tròn bất tử với những người lính tay không chống lại mũi súng và lưỡi lê. Thiếu úy Nguyễn Văn Phương, trước lúc ngã xuống đã muốn máu của mình tô thắm lá cờ. Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh, người thay thế giữ lá cờ, bị đạn xuyên qua bả vai. Tàu vận tải 605 với AK, B40 và DKZ chiến đấu cảm tử với những chiến hạm của quân Trung Quốc xâm lược được gắn pháo 100 ly. Và 64 người lính đã ngã xuống trong ngày 14.3 năm đó.
Ngay đêm 14.3, người thuyền trưởng đã điện về sở chỉ huy, với chỉ vài câu, rằng: Tàu còn, đảo còn và quyết tâm ở lại giữ đảo “dù phải hy sinh đến người cuối cùng”.
Tôi đã hỏi ông một câu gì đó, và nét kiêu hùng tưởng đã ngủ quên sau hai mấy năm bỗng trở lại trên khuôn mặt người thuyền trưởng giờ giản dị trong vóc dáng của một ông già hưu trí hiền lành: “Chú là thuyền trưởng. Làm sao chú có thể rời con tàu của mình được”.
Có ai đó, ở đâu đó, dường như đã nói đến một quy định bất thành văn của nghề đi biển, rằng Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi con tàu của mình. Với đối sánh: Rời đầu tiên khỏi con tàu sắp đắm chỉ có thể là những con chuột.
Vị thuyền trưởng già oai hùng ngày nào, một tay giữ đứa cháu 4 tuổi khỏi ngã xuống đất, nhớ lại: Tôi chỉ nói là ai xung phong ở lại giữ tàu. Và ai cũng xung phong cả. Anh em bảo “Thuyền trưởng ở lại thì em cũng ở lại”. Lính 125 mà”.
Vâng, lữ 125, những người lính của đoàn tàu không số đã làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày ấy, họ lại tiếp tục không tiếc thân mình để giữ đảo.
Sau ngày 14.3, ông cùng với 9 người khác đã kiên trì bám trụ suốt 2 tháng sau đó.Anh2
Cuộc chiến chưa hề dừng lại sau ngày 14.3 khi khoảng thời gian sau đó tình trạng vẫn căng thẳng cực độ. Những người ở lại ngày ngày súng trong tay nằm phục trên boong, đêm đêm đốt đuốc đi đâm cá trong cảnh tàu Trung Quốc lượn vè vè sát đuôi tàu dọa quăng móc câu sang chiếm tàu và dùng loa gọi hàng, đe dọa đích thân thuyền trưởng Vũ Huy Lễ. Đó không còn chỉ là một cuộc đấu trí nữa.
Người vợ, trong suốt câu chuyện của chúng tôi, vẫn chỉ lẳng lặng ra ra vào vào, giống như đức hy sinh của bất cứ phụ nữ nước Việt nào khác.
Lẳng lặng khi năm 65, ông và những người đồng đội của đoàn tàu không số làm lễ truy điệu sống trước khi lao mình vào lòng biển với những chuyến đi cảm tử. Lẳng lặng trong từ trong cái nhìn tiễn chồng vào ngày 27 Tết năm đó ra đảo Đá Lớn để đến Cô Lin. Và lẳng lặng khắc khoải dò hỏi tin chồng khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin những người lính đã anh dũng hy sinh.
Những người mẹ, người vợ. Có lẽ, họ chính là hậu phương vững chắc nhất để những người lính tiền tuyến có thể vững tâm chắc tay súng.
14.3 năm nay, Ban liên lạc tàu HQ 505 sẽ gặp mặt những người đồng đội ngày nào. Và hẳn nhiên những người lính sẽ nhớ về đồng đội của họ, những người 26 năm trước đã ngã xuống, bảo vệ tổ quốc bằng chính dòng máu của mình. Còn rất nhiều trong số họ xác thân vẫn còn đâu đó ngoài biển cả, dẫu nằm đâu thì cũng là trên đất Việt cả thôi.
Ánh mắt người anh hùng chợt trở nên xa xăm. Trong vườn nhà ông, có một cây xương rồng mang về từ Trường Sa. Bữa đó, dường như xương rồng đang trổ ra những bông hoa đỏ như máu.
Bài 2: Nước mắt nào hào hùng, nước mắt nào đau thương