Archive for the ‘Phóng sự’ Category

Anh8Khắc khoải chờ chồng- một chiến sĩ Điện Biên. Đau thương với một con hy sinh ở Khe Sanh, một con hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam, một con hy sinh ở Gạc Ma…Tôi đã tự hỏi lòng mình rằng điều gì đã khiến những bà mẹ Việt có thể hy sinh đến thế, có thể chịu đựng kiên cường đến như vậy.

Đọc tiếp »

anh4“Hồi xưa người cha nào cũng sẽ động viên con mình lên đường thôi. Nhưng nó chết rồi thì giờ gia đình chỉ mong được đón về dù là chút xương tàn của nó. Có phải chết không biết ở đâu đâu. Nó nằm ngay ở Gạc Ma. Cứ để lâu thì tan hết còn đâu. Lắm lúc tôi hỏi tại sao giữa mình với Trung Quốc giờ không mâu thuẫn nữa mà họ lại không cho trục vớt hài cốt con tôi”.

Đọc tiếp »

anh1Hăm bảy tháng giêng âm lịch năm nay trời bỗng đổ mưa tầm tã. Bữa nay, đúng vào ngày giỗ chung của những người lính Gạc Ma. Trên ban thờ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm trong một căn nhà nhỏ ở Thái Bình, một đĩa khoai luộc được đặt trước di ảnh. Ở Lê Hồ, Hà Nam, 2 người anh của liệt sĩ Trần Văn Bảy mắt đẫm lệ đốt lên một nén nhang. Còn thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ánh mắt ông xa xăm đâu đó. Trong góc vườn nhà, cây xương rồng mà ông mang về từ Trường Sa dường như trổ hoa. Rất đỏ.

Đọc tiếp »

4Chiến tranh, bên cạnh những hào hùng, bất khuất là những mất mát, đau thương. Mất mát ngay trong cái dáng ngồi dựa cửa của người thiếu phụ chờ chồng. Đau thương với ngay cả với những nạn nhân vô tội. Dường như hậu chiến vẫn là một cuộc chiến chưa hề chấm dứt.

Đọc tiếp »

Hoa đào biên viễn

ảnh-1Bài 1: Biên giới, Hồi ức 35 năm
Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.

Đọc tiếp »

images5Bài viết về người hát xẩm cuối cùng Hà thị Cầu

Đọc tiếp »

Cơm ký

Cuộc sống là một chuỗi dài những toan tính, mà đôi khi cho đi mới là cách nhận lại nhiều nhất

Đọc tiếp »

Đương ngày Nỉ dứa (ngày tốt), những người phụ nữ mang dao, đeo rìu vào rừng kiếm cái ăn. Bản vắng hoe với còn lại dăm người đàn ông, hông lệch vì đèo con. Đám trẻ, chưa thể xuyên rừng, vừa thấy cô giáo lên bản đã trốn biệt. Giữa trưa, cả bản chỉ có một nhà nổi lửa. 2 cán bộ khuyến nông thở vắn than dài và những người tiểu thương đang dọn gánh hàng xén sau dòng dã 2 ngày không bán nổi một xu tiền hàng.

Đọc tiếp »

Giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ.

Đọc tiếp »

Cù lao Ré, Chó và chuột

Lý Sơn, tên cũ là Cù lao Ré, là một hòn đảo bé nhỏ và lạ kỳ. Đảo như một chiến hạm vì vị trí tiền tiêu của nó. Bãi trước, bãi sau, dấu vết những lô cốt từ thời Pháp vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Nhưng trong suốt lịch sử tồn tại nơi đây dường như chưa từng có một tiếng súng. Lý Sơn chỉ trở thành hòn đảo tiền tiêu, thành một hàng không mẫu hạm từ vài năm nay khi những ngư dân bỗng dưng trở thành người lính giữ biển. Nhưng đây là một chiến hạm đang bị bỏ quên.

Thiếu thậm chí một con chuột

Lý Sơn thiếu đất. Diện tích tự nhiên cả đảo chỉ chưa đầy 10 km2. 30% của dân số 21 ngàn người giành nhau một diện tích…cát có thể trồng tỏi, ít ỏi đến mức ruộng tỏi, chung với mộ gió, với mỗi 100 m2 một đầu người. Đất hiếm đến nỗi ở Lý Sơn, đất chẳng bao giờ nằm yên, cây cứ nối cây mọc lên theo mồ hôi cư dân Lý Sơn không ngừng nhỏ xuống. Ở Lý Sơn, chỉ tỏi là có thể sống được trên cát. Nhưng cây tỏi không đủ nuôi sống người Lý Sơn. Năm nay, tỏi Lý Sơn đang rớt giá thảm hại.

Thiếu đất cho người sống, thiếu cả đất cho những người đã khuất. Dường như những những ngôi mộ gió ở đây cũng mang một vẻ còm cõi khác thường.

Lý Sơn thiếu nước. Anh Phương, “chúa đảo bé An Bình” ngồi bên đảo lớn ngậm ngùi nhìn sang đảo bé: Một khối nước dân phải trả “trăm rưởi ngàn”. Nhưng sự thật là ở đảo bé, những chiếc bể được xây từ năm 1968 giờ đã thành đồ cổ, từ lâu đã không còn chút nước trời. La liệt những chum vại, rối bời những dây tiếp nước từ mái nhà, nhưng nhiều năm nay trời không thương người đảo bé. Nước trời hiếm quá. Ruộng tỏi đã xới chỉ còn chờ mưa để cắm xuống cây tỏi giống. Còn người đảo bé đang tồn tại với mỗi mét khối nước giá 200 ngàn đồng. Nước thiếu đến nỗi không ai giàu để dám tắm mỗi lần quá 3 lon nước. Thiếu đến nỗi nước ở đảo bé, còn ít hơn bia ở đảo lớn. Biển cả bao la. Nước xanh rợn mênh mông xung quanh mà một giọt nước cũng phải moi tiền ra mua. Người đảo bé bị cầm tù giữa bốn bề tám bên là nước.

Trong câu chuyện của người đảo bé, cảm giác bị bỏ quên của họ ngậm ngùi trong từng lời nói. Niềm vui mỗi ngày của họ là ra bến thuyền để dõi mắt trông những con thuyền đến từ đảo lớn. Người đảo bé mơ ước đảo lớn. Dẫu mơ ước nhiều khi chỉ giản dị là vì “bên đó” có thể được tắm một bữa thỏa thuê.

Đảo bé mấy năm trước vẫn tồn tại với “sáu con không”. Không điện. Không nước. Không xe. Không đường. Không chợ và không cả chuột- loài động vật dân biển biết rõ nhất là sẽ nhảy đầu tiên khỏi một con tàu sắp đắm. Và đến giờ vẫn chưa có con chuột nào đến với “con tàu” mang tên Bình An này.

Cực quá. Cực đến độ chính những người dân bản xứ cũng không sống nổi. Đảo bé, xã Bình An, từ lâu đã không còn yên bình nữa. Số nhân khẩu đăng ký là 500 giờ chỉ còn lại 100 người. Những người bám trụ vì không thể đi. Không thể đi, không phải chỉ vì thiếu một chiếc xe lăn như chàng ngư dân bất hạnh Bùi Văn Huệ, bị liệt đôi chân trong một lần lặn biển ở Hoàng Sa và giờ đang đi trên chiếc xe chó kéo.

Nhưng đảo lớn cũng thiếu nước. Có lẽ chưa ở đâu lại có nghề phu nước như ở Lý Sơn. Đào đâu cũng chỉ có nước nhiễm mặn. Dân cả đảo trông cả vào một cái giếng chỉ cách biển chục bước chân. Cái giếng duy nhất lúc nào cũng ăm ắp nước ngọt. Có lẽ trời chưa tước đi sinh kế cuối cùng của người Lý Sơn.

Động vật duy nhất là chó

Lý Sơn thiếu điện. Đảo không có điện lưới. Những người dân nghèo nhất của miền Trung lại đang phải xài thứ điện dầu đắt nhất. Tối tối, 11h là nửa đảo tối om. Một cán bộ huyện nói vui là “Cán bộ và nhân dân Lý Sơn quyết không xài máy lạnh”. Tại sao ư? Vì sợ cảm lạnh khi đã quá quen với cực khổ rồi- anh nói hóm hỉnh. Vì tiền đâu cho đủ để hưởng sướng chút không khí trong lành. Điện dầu không chịu được đã đành. Còn một lẽ khác là không ai nỡ hưởng sướng một mình để ở một góc đảo nào đó những đứa trẻ thiếu cả điện chạy chiếc quạt tai chuột bé bằng nắm tay.

Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, Trần Ngọc Nguyên dường như trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến điện. Anh nói đã mời các nhà khoa học tới xem khả năng điện gió. Nhưng mà khó. Mùa bão, gió giật đổ nhà dân, đánh chìm những con tàu, nhưng gió Lý Sơn lại không đủ để chạy điện. Còn điện than giờ đã được đầu tư nhưng đang ở trong tình trạng chậm tiến độ, chậm đến độ chưa biết đến bao giờ. Chủ tịch đảo bấm ngón tay mà tính rằng một đường điện cáp ngầm cho 18 hải lý nối đảo với đất liền hết chừng 700 tỷ. Hôm chúng tôi ở đảo cũng là ngày báo chí đưa tin tỉnh bạn Quảng Nam “điều chỉnh bổ sung” thêm 330 tỷ để làm công trình Mẹ Việt Nam Anh Hùng, nâng chi chí cho tượng đài này lên con số 411 tỷ đồng. Những bà mẹ anh hùng có đáng tôn vinh không? Đáng quá đi chứ. Nhưng đâu phải chỉ có một cách tôn vinh là đổ tiền của xây dựng những tượng đài, những phù điêu nằm trơ trọi, đắp chiếu trong những lối mòn cảm xúc. Ừ thì là công trình văn hoá nghệ thuật cấp quốc gia. Ừ thì trọng điểm. Ù thì ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng người Lý Sơn thì chạnh lòng. Sự chạnh lòng với tâm thế của những người mặc cảm bị đất liền bỏ rơi.

Chị Hương, “phó đảo” thì than: “Hậu cần nghề biển thực chất chỉ là nơi neo thuyền”. Thiếu điện, đến cục đá ướp cá còn làm không nổi. Xin đừng nói đến chuyện chuyển dịch. Với đất thế, nước thế, con người thế, có mà dịch đằng trời.

Người Lý Sơn mơ ước đất liền. Có khi chỉ giản dị là bởi ở đất liền người ta có thể ngủ cả đêm dưới quạt mát.

Lý Sơn thiếu đất, thiếu nước, thiếu điện, thiếu cả cái tâm thế của những người ở lại.

Văn Công Hùng, thi sĩ của Tây Nguyên đã viết rất thâm rằng: “Động vật duy nhất ở đảo bé (trừ con người) là chó”. Có lẽ, ngoài con người, chỉ chó mới có thể chịu đói khổ đến nhường ấy. Và có lẽ, chỉ chó mới không bỏ rơi con người.

Khi chia tay Lý Sơn, chúng tôi được những người bạn ở Ngân hàng nông nghiệp tiễn ra tận bến tàu, ân cần trao tận tay cân tỏi bản xứ. Để có một nhánh tỏi, người dân Lý Sơn phải vật cát trắng từ dưới đáy biển sâu, lót trên nền đất vốn là nham thạch của núi lửa và tưới bằng nước giếng đào nửa ngọt nửa chua. Có lẽ đất đó, cát đó, nước đó, con người đó đã làm nên những cây tỏi thơm dịu, cay dịu như chính sự đằm thắm của con gái đảo. Nhưng dường như trong vi cay dịu của tỏi, còn có vị mặn của những giọt mồ hôi và nỗi lòng gửi về đất liền của những người ở lại.

Bạt ngàn những đụn cát bé xíu, thấp lè tè nằm trơ trọi lơ thơ. Phía đầu, bao giờ cũng quay về phía đất liền, được đánh dấu bằng một hòn đá đen. Không hương nhang thờ cúng. Không bia đá di ảnh. Đó là những ngôi mộ chiêu hồn, còn gọi là mộ gió trên đảo Lý Sơn. Sẽ không quá lời khi nói Mộ gió Lý Sơn, những ngôi mộ không hài cốt, có lẽ là những tượng đài bất tử nhất cho sự bi tráng của những nghĩa sĩ trận vong vì tổ quốc ngày hôm qua, và lớp lớp con cháu họ của ngày hôm nay- những ngư dân đang vô tình, một cách lặng lẽ và can trường, tiếp bước nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền tổ quốc của cha ông họ.

Lý Sơn có câu ca dao: Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có nhưng không thấy về.

Lý Sơn, một cù lao bé bằng nắm tay nhưng có hàng chục ngôi chùa. Có Âm linh tự, chuyên chỉ để thờ cúng những anh hùng vị quốc vong thân, những cô hồn mất xác.

Lý Sơn có thầy Toại, phù thuỷ, đã 4 đời hành nghề làm hình nhân thế mạng.

Và ở Lý Sơn, bạt ngạt những ngôi mộ gió. Mộ gió ngập trong cát. Nấm sau theo cát tràn lên nấm trước.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã Vĩnh An sung vào, cắt phiên cứ tháng Hai mỗi năm nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm đến đảo ấy. Chính dấu chân Lý Sơn năm xưa đã làm nên “xứ Hoàng Sa” mà người Lý Sơn vẫn quen gọi là Bãi cát vàng. Chính mái chèo người Lý Sơn biến Bãi cát thành một phần không thể chia cắt của tổ quốc, cái phần đắc địa, đắc hải mà vua Minh Mạng, từ năm 1936, đã có chỉ lệnh rằng “Bản quốc hải cương, Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”- (Xứ Hoàng Sa, cõi biển nước ta thật là hiểm yếu). Dòng chỉ của vua Minh Mạng giờ được tạc sau tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải.

Cụ Võ Hiển Đạt, người thủ bút chỉ lệnh của Minh Mạng trên tượng đài đã ngót 80, chiều đó ngồi bên mái hiên Âm linh tự mà thủ thỉ nói về những vị anh hùng đã vị quốc vong thân ngày nào. Năm Ất Hợi 1815, vua Minh Mạng có chiếu sai bọn Phạm Quang Ảnh tuyển người hai làng An Vĩnh và An Hải ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình. Bấy giờ Hoàng Sa mênh mông, những người ngư dân Lý Sơn khoác áo lính thú vượt biển trên những chiếc thuyền buồn bé xíu. Con người bé nhỏ, chiếc thuyền mong manh. Tất cả trông vào ông trời. Trước khi ra đi, mỗi người lính thú chuẩn bị sẵn cho mình một cỗ hậu sự: Đôi chiếu, dùng để quấn xác trong trường hợp tử nạn. Những chiếc đòn tre, để nẹp quanh. Những sợi dây mây. Và những chiếc thẻ bài ghi tên tuổi, làng quê với mơ hồ một niềm mong ước xác thân mình sẽ về lại được với đất mẹ. Cũng như một lời nhắn nhủ tới người thân.

Thầy phù thuỷ 76 tuổi Võ Toại đã dùng một từ rất đắt là “bắt lính”. Mỗi năm có chiếu vua bắt lính đi Hoàng Sa là cả hai làng than khóc. Các họ tộc họp để cắt người đi Hoàng Sa. Lễ khao thề thế lính nguyên bản giống như lễ truy điệu sống. Có câu rằng: Thùng thùng trống đánh ngũ liên/Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.

Chúng tôi đứng nghiêng mình trước dãy mộ gió của Phạm Quang Ảnh và những vị anh hùng vị quốc vong thân. Chuyến đi cuối cùng của ông là vào năm 1817. Chuyến đi mà không có về. Mấy trăm năm trước, những ngư dân bỏ lưới cầm gươm, không chút do dự, đã tự chọn cho mình một cái chết hiên ngang. Mộ gió ở Lý Sơn có lẽ cũng ra đời từ đó, dành cho những người mà xác thân đã hoà cùng biển cả. Không một ai muốn cô hồn của mình vất vưởng không chỗ chú thân. Không ai muốn cha, chồng, con em của họ chết bất đắc kỳ tử không còn dấu vết nào trên đời.

“Thầy phù thuỷ” Võ Toại, đã bốn đời “chân truyền” làm mộ gió nói những ngôi mộ chiêu hồn là cái để an ủi cả người sống lẫn người đã khuất. Thầy Toại không nhớ nổi cuộc đời ông đã làm bao nhiêu ngôi mộ gió nữa, chỉ biết là năm nào ở Lý Sơn cũng có thêm những ngôi mộ mới. Có năm, cha con thầy Toại làm đến gần hai chục mộ gió. Sau ngôi miếu cổ Hoà Phong, lần trong những cánh đồng tỏi, bên đường đi, hay ngay trong sân nhà, những ngôi mộ không hài cốt nằm im lìm, hắt hiu trong gió biển và nắng tà. Mộ vùi trong cát. Lớp sau ngày càng gần hơn lớp trước. Chỉ tháng trước, chính cha con ông Toại đã một tay làm cả 6 ngôi mộ gió, 6 hình nhân thế mạng cho ngư dân Nguyễn Đảng và những bạn chài đã một đi không trở lại. Xưa ở Lý Sơn, những người phụ nữ chờ chồng 6 tháng không chở về mới chịu đến Âm Linh Tự làm lễ chiêu hồn. Chờ thêm 6 tháng nữa mới gạt nước mắt làm mộ gió, lấy chỗ cho vong linh chồng, cha, con họ có chỗ về nhà.

Chính thầy Toại, cũng không biết mộ gió có từ bao giờ. Ở Lý Sơn, cũng không ai đặt câu hỏi về những ngôi mộ gió. Đó là một phần của dĩ vãng. Đó là sự chấp nhận. Đó là một lẽ đương đương nhiên thể hiện cái tâm thế sống của người Lý Sơn. Và có lẽ cũng chính vì vậy, những con thuyền ngư dân vẫn chưa bao giờ thôi tiến về phía Hoàng Sa.

Hôm chúng tôi tới thăm, cụ Toại đang ngồi viết sớ chữ nho. Anh con trai, đã nhận “chân truyền” từ cha từ mấy năm nay thì thào kể chuyện hồn nhập tượng nghe sởn da gà. Nhưng mà thôi, chỉ cần hiểu đơn giản là người Lý Sơn lập mộ gió cho người thân là để tròn phận sự của những người còn sống và an ủi những người ngày mai sẽ tiếp tục ra khơi. Hiểm hoạ từ biển là vô chừng. Bất trắc đến nỗi chỉ vừa năm ngoái, một cô giáo từ đảo lớn sang đảo bé cũng đã bỏ mạng.

Những hình nhân thế mạng được thầy Toại làm bằng đất sét lấy từ vàm núi Giếng Tiền bên miệng núi lửa, thứ đất sét dẻo và “chết” đến mức không có bất cứ loại cây nào mọc nổi trên nó. Trứng gà so được dung làm bao tử âm dương (dạ dày). Than, đốt từ cây sào đông dùng làm phổi. Chỉ làm ruột. Đàn ông được làm 7 xương sườn. Xương cốt được làm bằng những thân dâu. Thầy Toại nói thân dâu làm cốt xuất phát từ câu chuyện “truyền tử lưu tôn”. Con tằm ăn dâu đổi kiếp tới 4 bận. Các cụ làm xương cốt hình nhân bằng thân dâu dường như với ước mong rằng những người dã khuất sẽ chuyển kiếp để không bao giờ “sống đời bấp bênh, chết kiếp tuyệt tích” nữa.

Chiều Lý Sơn những đôi mắt thở dài

Chập chùng nhớ chập chùng nhoai phía biển

Từng mảng xám biển ù ù mây xếp

Níu hồn vào những đốt dâu xanh

Đây là những câu thơ cảm tác của Văn Công Hùng, thi sĩ Tây Nguyên lần đầu ra đảo.

Ỏ Lý Sơn, chưa từng xuất hiện một con tằm nhưng bờ dậu nào dường như cũng có những cây dâu mồ côi.

Ở Lý Sơn, ngư dân làng chài không sợ hãi cuồng phong, bão tố- điều mà cha ông họ xưa nay vẫn thản nhiên đối mặt. Họ sợ đói nghèo, sợ những khoản nợ đến ngày đáo hạn và sợ nhân tai dưới hình hài của những con tàu lạ.

Sói biển sợ nợ

Người nổi tiếng nhất Lý Sơn giờ đương nhiên là “sói biển” Mai Phụng Lưu. Lưu lì lợm. Lưu can trường. Lưu 4 lần bị Trung Quốc bắt. Lưu 4 lần trắng tay ngập nợ. Bắt rồi, trắng tay rồi Lưu vẫn đi Hoàng Sa. Lưu là con sói can trường đến liều lĩnh trên vùng biển Hoàng Sa. Nhưng bữa chúng tôi ghé nhà, huyền thoại họ Mai, con sói biển của Hoàng Sa- đang lẩn mẫn ngồi bóc tỏi. Cái bàn tay to bè thô nháp đã quen với sợi thừng, dây lưới giờ lóng ngóng đến lạ.

Chưa khi nào Mai Phụng Lưu lại run như lần này. Cái danh sói biển được báo chí phong tặng, câu chuyện ly kỳ về sự can trường của Lưu khiến anh được một ngân hàng cam kết cho vay 300 triệu đồng để đóng tàu ra khơi. Nhưng vay rồi mà chưa hết run. Lạ thế. 30 năm đi biển, biết bao lần đối mặt với sóng to gió lớn. Suốt 7 năm qua, đã cả chục lần chạy trốn tàu Trung Quốc trên những bãi đã san hô tử thần, nơi mà sểnh tay lái ra là tan tàu mất mạng. Ngay cả 4 lần bị Trung Quốc bắt, Lưu cũng đã bao giờ biết sợ. Hoá ra Lưu sợ nợ. Sợ đóng tàu rồi lại bị thu giữ, rồi lại trắng tay. “Chắc chắn sẽ ra Trường Sa”- Lưu ngồi xây lưng vào nhánh cây phong ba mang về từ một hòn đảo nào đó ngoài Hoàng Sa và nói cứng. Nhưng anh nói không tự nhiên và người đàn ông của biển vốn ăn sóng nói gió bỗng nhỏ nhẹ và mệt mỏi khác thường. Nhìn mắt anh, tôi tin chuyến đầu tiên của anh sẽ lại là Hoàng Sa. Nhưng anh sẽ ra Hoàng Sa với nỗi sợ mất tàu, một nỗi sợ không có tên trong từ điển, nỗi sợ chính đáng mà không sự can trường hay lì lợm nào có thể khoả lấp đi được.

Cuộc mưu sinh ở Hoàng Sa là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Lưu đãi chúng tôi chén rượu hải sâm cay sè. Hoàng Sa trù phú là biển lành của mực, của tôm hùm và nhất là của hải sâm vú. Mối con ít cũng triệu rưởi. Những ngư dân vẫn kháo nhau câu chuyện tàu của một ông Đồn nào đó trúng ổ hải sâm một chuyến thu về hơn 2 tỷ 8. Nhưng loài hải sâm sống sâu dưới 50-70 thước nước. Và neo tàu giữ mênh mông sóng nước, những ngư dân can trường nhất cắn dây thở, đeo bịch chì lặn sâu dưới đáy biển đen. Miếng cơm manh áo, hay giả gọi một cách sang trọng hơn là khát vọng làm giàu có lẽ còn mạnh hơn sự sợ hãi, dù nghề lặn thực chất là một cuộc đánh đổi giữa một bên là miếng cơm manh áo, và một bên là mạng sống của chính mình. Ở đảo bé Lý Sơn, rành rành một nạn nhân của nghề lặn nước. Bùi Văn Huệ, 35 tuổi, liệt hai chân sau một ca tai biến khi anh cố thoát lên từ độ sâu 40m. Ở Lý Sơn, chỉ có những khoản nợ và những lo toan miếng cơm manh áo như những chiếc đinh sắt thúc vào mạng sườn ngư dân khiến họ không đừng được việc ra khơi.

Cuộc mưu sinh ở Hoàng Sa là một cuộc mưu sinh khốn khổ. Chí ít là khốn khổ từ bảy năm nay. Từ 16, Lưu đã bắt đầu theo tàu đi biển. Anh đi miết. Đi nhiều đến nỗi anh thuộc từng chặng san hô, vừa huýt sáo vừa lái tàu đánh võng qua những khúc cạn chết người. Nhưng việc chạy tàu Trung Quốc không phải là trò đùa. Mỗi năm đi 12 phen thì chỉ 2 phen may mắn không gặp tàu trắng Trung Quốc (tàu ngư chính). Ngư dân mình, nói là đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì nói thế thôi chứ cứ thấy tàu trắng là cong đuôi lên chạy. Tàu cá chỉ chạy được 7 hải lý mỗi giờ vì thế cứ phải lao vào bãi san hô mà né. Né tàu trắng còn cuống, còn gấp, còn tim đập chân run hơn là né những cơn cuồng phong của biển cả. Chấp nhận lao san hô là bởi bị san hô xé đôi tàu hay bị Trung Quốc bắt nào có khác gì nhau. Đằng nào thì cũng trắng tay cả.

Lưu đã 4 lần trắng tay. Anh cho chúng tôi xem tờ giấy phạt của Trung Quốc. Năm 2005, chị Đợi, vợ Lưu đã phải cắm nhà, vay nóng để có tiền gửi sang Trung Quốc chuộc người. Đối với những người phụ nữ làng chài, chồng con họ mới là những thứ quý giá nhất, thiêng liêng nhất. Lần cuối bị Trung Quốc bắt tháng tám năm ngoái, Lưu trở về và ngay lập tức bị chủ nợ xiết con tàu nát. Bây giờ, sau 4 lần bị bắt, bên ngoài hai bàn tay trắng, vợ chồng cha con còn mang một khoản nợ ngập đầu 200 triệu. Lưu không sợ mới lạ.

Nhân tai

Ở Quảng Ngãi, ngư dân giờ nợ nần ngập đầu. Chẳng hạn như ở Bình Chánh, địa danh gắn với tên tuổi một sói biển khác là Tiêu Viết Là, dư nợ của ngư dân tại Ngân hàng nông nghiệp hơn 9 tỷ thì có tới 5,6 tỷ là những khoản nợ khó đòi. Đòi sao được khi sóng gió đại dương thổi bay những chiếc tàu ngư dân lả tả như chiếc lá. Tôi đã được nghe câu chuyện bi hài của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn. Bão số 9 đã thổi tung chiếc tàu của anh lên tận Bình Dương, cách chỗ bỏ neo đến 5km. Cái tàu đi biển, dù chỉ vài chục mã (sức ngựa) cũng nặng tới vài tấn, không phải như con trâu, con bò mà bảo cứ tìm thấy là có thể xỏ mũi dắt về. Chi phí lai dắt 200 triệu làm Sơn méo hết cả mặt. Ngư dân Sơn dở khóc dở cười khi khoản nợ giờ đã lên tới 454 triệu mà tàu thì nằm một chỗ.

Cũng may là ngân hàng cũng không ráo riết thúc nợ. Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp Bình Sơn, ông Phạm Điểm bảo: Ngư dân sợ nợ, cũng vì thế họ không chây nợ bao giờ. Vả lại, họ chỉ có một thứ tài sản là con tàu thì cũng đã mất rồi thì còn gì mà trả. Cho vay ngư nghiệp là loại vay nhiều rủi ro nhất, nhưng không phải vì thế mà không cho ngư dân vay. Hiềm một nỗi giờ Ngân hàng cũng không biết phải xử sao. Khó nhất cho Ngân hàng là với những trường hợp “mất tích”. Gì thì gì, quyền tuyên bố ai đó mất tích thuộc về toà án. Mà xưa nay, đã có trường hợp nào toà án tuyên bố ngư dân mất tích. Vì thế, những khoản nợ khó đòi cứ nằm đó, chềnh ềnh trên sổ sách của ngân hàng và thấp thỏm trong những nỗi lo toan cơm áo của những ngư dân.

Ngư dân xưa nay kiêng nói về chuyện may rủi. Kiêng đến mức ăn con cá không bao giờ dám lật. Ấy thế mà “nạn tàu trắng” đã khiến giờ họ chẳng cần ai xui cũng tự giác mua bảo hiểm. Sóng dữ không phải lần nào cũng lật tàu, nhưng gặp tàu trắng thì coi như là mất hết.

Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn trong 2 năm 2009 và 2010, toàn huyện có 45 chiếc tàu bị chìm. Trong số này, có tới 14 chiếc được liệt vào dạng bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu và bị tàu lạ đâm chìm. Tính cả tỉnh Quảng Ngãi, số tàu bè bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu, đâm chìm đến nay đã lên tới 62 chiếc. Ngay trong ngày chúng tôi ở đảo, liên tiếp xảy thêm 2 vụ tàu ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu phá hoại toàn bộ phương tiện, ngư lưới cụ. Nếu như trước đây, ngư dân bị bắt giữ, bị đòi tiền chuộc thì bây giờ, họ bị tịch thu, bị phá hoại tất cả. Máy định vị, thiết bị có tính chất cứu sinh bị quăng xuống biển. Ống lặn đi băm nát. Lương thực, dầu máy bị tịch thu. Bên ngoài câu chuyện trắng tay, họ bị bỏ rơi giữa biển cả mênh mông. Một hành động tàn nhẫn mà ngay cả những con vật cũng không đối xử với nhau như thế. Mới nói, cái sự sợ hãi của ngư dân, không phải trước cuồng phong, bão tố- điều mà cha ông họ xưa nay vẫn thản nhiên đối mặt, mà là vì nhân tai dưới hình hài của những con tàu lạ.

Nhớ hôm gặp Trần Hoà, phóng viên VietNamNet ở Quảng Nam, người vừa cùng ngư dân Quảng Ngãi vượt biển đi Hoàng Sa, tôi hỏi anh ngư dân được ai bảo vệ. Hoà chống cằm nhíu trán. Một lát, anh chỏ ngón tay lên trời. Ở Lý Sơn, mỗi gia đình ngư dân đều có một bàn thờ Thiên để ngay trước nhà. Họ tin vào ông Trời.

Người ta chỉ tin vào những thế lực siêu nhiên khi không còn biết bám víu vào đâu nữa.

Vọng phu sống ở Lý Sơn

Năm 2007: Bị nước ngoài bắt. Ở tù 1 năm. Tàu thuyền bị thu sạch. Năm 2008: Đã “buộc tay chung” trên biển, đã “xém chết” trên vùng biển Trường Sa khi tàu bị phá nước. Năm 2009: Mái nhà tranh bị bão bầm cho dập nát. Năm 2010 bị Trung Quốc bắt. Bị tịch thu. Bị đánh đập. Bị giam trên đảo Phú Lâm. Và năm 2011, trong chuyến hải trình định mệnh, chỉ để “kiếm cho mẹ con nó cái tết”, đã mãi không trở về.

Bạn hỏi tôi đang nói về ai ư? Thì đó là về ông Nguyễn Đảng, lão ngư 70 tuổi tóc trắng như sóng bạc đầu, mới ngày nào được tung hô như người anh hùng. Và đó cũng có thể là một ngư dân bất kỳ nào đó ở Lý Sơn. Lý Sơn, Lý Sơn, nơi cát ngập tràn mười cây số vuông. Nơi mà những nấm mộ chiêu hồn cũng bạt ngàn trong cát. Không ai đếm được có bao nhiêu ngôi mộ như thế. Không ai biết được còn bao nhiêu sẽ lại mọc lên.

Quá trưa, hai mẹ con bà Xí, vợ goá của ngư phủ Nguyễn Đảng vẫn chưa thấy đụng chuyện ăn uống. Từ ngày làm mộ gió cho chồng. Người đàn bà can trường đó vẫn ráng sống nuôi con. Đứa bé mới lên 7. Quá nhỏ để hiểu sự nghiệt ngã của biển cả, nhưng dường như đã đủ lớn để biết người cha đã ra biển và mãi mãi không còn về. Đủ lớn để bắt đầu quen với cái dáng ngồi dựa cửa của người mẹ, như bất cứ người phụ nữ nào trên cù lao.

Ngày 22-11-2010, ông Đảng đi bạn trên con thuyền QNg 66912 của thuyền trưởng Phạm Minh Tân lấy rau chân vịt. Từ sau khi bị Trung Quốc bắt,, đây là chuyến đi biển đầu tiên, tại chính ngư trường mà ông đã bị bắt trước đó chỉ 3-4 tháng: Hoàng Sa. Tại sao ông vẫn đi Hoàng Sa mà không phải là một vùng biển khác. Người đàn bà làng chài đáp một cách giản dị, như bất cứ một người Lý Sơn nào khác, rằng đó là nơi cha ông họ bao đời này vẫn đến đó đánh bắt. Đó là nơi mà những đứa con của biển đã thuộc đến từng rặng san hô, từng lạch nước. Đến ngày 12-1-2011, sắp tết, bà nhận được cú điện thoại cuối cùng. Ông thông báo trời động miết, sóng dữ lắm, có lẽ sẽ phải ăn tết ngoài Hoàng Sa. Và từ đó, ông mãi mãi không bao giờ trở về. Cả 6 người trên con tàu định mệnh đều chết mất xác.

Đời ông Đảng là một kiếp những chuân truyên. Năm 2007, đang từ thế nhà to tàu lớn, ông bị nước ngoài bắt giữ. Ở tù một năm, ông ra về với hai bàn tay trắng. Một năm sau đó, ông xém chết khi đi biển ở Trường Sa. Những người đàn ông của biển khi ra khơi bao giờ cũng có một cuộn dây. Ấy là khi thuyền vỡ nước, họ cột chặt tay nhau để chết chung, để cầu cho thân xác được cùng nhau trôi dạt về đất mẹ. Có lẽ chỉ thiếu so với cha ông họ, những hùng binh Hoàng Sa thủa nào, một cái thẻ bài. Bữa đó ông Đảng cùng với bạn chài của mình đã cột tay. Nhưng số ông chưa đoạn. Ông được tàu hải quân cứu ngay trước cái miệng khổng lồ không đáy và dữ tợn của biển cả. Bà Xí kể sau đận đó, có những người đã lạy “ông Thiên” sẽ ở nhà ăn cơm mắm, sẽ chẳng bao giờ bước chân xuống thuyền. Nhưng ngư dân mà không đi biển thì sao có thể gọi là ngư dân. Biển cả như ngôi nhà, mảnh vườn. Hoàng Sa thân thương ngay cả khi, hoặc cũng bởi, nó là nơi chôn vùi mãi mãi bao lớp cha ông của họ. Và thế là ông Đảng cùng bạn chài lại tiếp tục ra khơi. Tháng 8-2010, ông bị Trung Quốc bắt khi đi bạn trên thuyền của sói biển Mai Phụng Lưu. Những câu chuyện về chuyến hải trình đau khổ đó giờ không ai muốn nhắc lại nữa. Chỉ biết là trùng khơi ngoài kia, biển cả có thêm một hiểm hoạ, nghiệt ngã không kém gì sóng to gió lớn.

Sau cú điện thoại cuối cùng, đêm đó bà Xí không ngủ được. Linh cảm đàn bà nói với bà có điều gì đó đang xảy ra. Những chuyến đi Trường Sa xưa nay vẫn kéo dài cả tháng, bà cũng đã quen với sự chờ đợi cả chục năm trời. Nhưng chưa bao giờ trong lòng bà bồn chồn lo lắng như đận đó. Cái cảm giác bất an đã không lừa bà. Ông Đảng đã đi mãi, gửi thân nơi Hoàng Sa. Lý Sơn có câu rằng: Ngày xưa, Ngư dân cách ngư phủ một cái nan tre. Và giờ cũng chỉ cách ngư phủ một cái be ghe (đáy thuyền). Biết thế. Cha ông ngày xưa, những người đã gửi thân nơi Hoàng Sa cũng biết thế. Nhưng nào có còn cách lựa chọn nào khác.

Lý Sơn trời trong vắt. Nước trong vắt. Đang là mùa thuận hoà để đi biển. Nhưng dường như có bão trong đôi mắt những người đàn bà Lý Sơn. Trong những đôi mắt đó, chỉ thấy toàn là sự khắc khoải. Khắc khoải đến u uẩn.

Ngôi nhà dựa lưng vào núi Thới Lới, bé nhỏ, mong manh, trống trước trống sau với mái hiên và một bậu cửa nhỏ. Nếu phải tìm một hình ảnh về những người phụ nữ miệt biển, về những người đàn bà Lý Sơn, có lẽ không gì tiêu biểu hơn hình ảnh họ ngồi đó với đôi mắt khắc khoải dõi ra ngoài trùng khơi. Ở Lý Sơn, phụ nữ không được ra biển. “Mình họ bẩn nên không được lên thuyền”- ông Võ Đắc Danh, thủ toạ Âm linh tự bảo vậy. Công việc chính của họ là ngồi tựa cửa và khi chồng về thì cố gắng sinh được những đứa con trai, để đi biển. Hàng ngàn năm nay vẫn vậy. Nhưng cái cách mà họ ngồi chờ chồng, và chung thuỷ, sự can đảm và cái tâm thế chấp nhận những người đàn ông có thể một ngày không trở về có lẽ cũng là một thứ truyền thống ngàn năm sinh ra từ sự nghiệt ngã và nham hiểm của biển cả. Đàn ông Lý Sơn nói biển là biển bạc. Biển bạc hôm nay cho họ cá tôm, ngày mai sẵn sàng đòi của họ thứ quý giá nhất là mạng sống. Đàn bà Lý Sơn nói biển là biển giả. Biển cho họ miếng ăn nhưng biển một ngày nào đó cướp đi của họ tất cả. Có người phụ nữ nào còn muốn sống khi biển cướp đi của họ cả cha, cả chồng, và những đứa con trai.

Sau khi ông mất, hai mẹ con không tiền tuất, không bảo hiểm, chỉ còn lại một khoản nợ cả chục triệu đã đến ngày đáo hạn. Bà lo, không có tiền trả, sợ ngôi nhà tình nghĩa mới được dựng lên lại bị siết nợ. Giờ, hàng ngày bà Xí theo con nước cọn. Bà nuôi con 2 bữa cơm bằng cách ngày ngày ra biển bòn rong kiếm 15 ngàn mỗi ngày. Chưa đủ để khỏi đói. Cuộc sống đã long đong chìm nổi kể từ đận ông bị bắt, giờ đã xuống đến đáy.

Về thân phận của những người phụ nữa làng chài, chúng tôi được TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đọc tặng mấy câu ca dao ông trực tiếp sưu tầm ở Lý Sơn:

Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng.

Ngó ra ngoài biển, biển động thinh thinh

Ngó vô trong dạ buồn tình

Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng

Đêm năm nước mắt rơi nghiêng

Áo em năm vạt ướt liền cả năm

Trong sân nhà ông Đảng năm nay mướp vẫn trổ hoa. Nhưng những quả mướp năm nay bị thui, còi cọc đến lạ. Bà Xí nói đầy tâm trạng, là bởi năm nay hoa mướp thiếu ong về thụ phấn.

Hôm chúng tôi xuống nhà, con dâu (với đời chồng trước) của bà, một phụ nữ 25 tuổi, cũng ngồi với cái dáng tựa cửa. Sau khi làm mộ gió cho dượng, chồng cô, ngư dân 25 tuổi tên Nhiều, để vợ con ở nhà để tiếp tục ra khơi. Thế là nhà lại có thêm một người đàn bà tựa cửa. Thêm một nỗi khắc khoải.

khuất khúc Kẻ Chợ

(Mời chọn hình cho bài. Thanks)

 

Nếu phải chọn một cái gì đó để nói về Hà Nội, tôi chắc sẽ có nhiều người không ngần ngại chọn ngay những cái khuất khúc phố cổ.

Hình ảnh đẹp nhất về Thủ đô có lẽ là trong câu ca dao xưa: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mờ khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ. Sâu lắng, lãng mạn và hào hùng nhất chính là những “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” của Hà Nội mùa đông năm 1946, khi mà người Hà Nội hừng hực trong khí thế chiến đấu, khi những chiến sĩ cuối cùng rời hào lũy, cũng chính là ngôi nhà, góc phố của mình trong cái tâm trạng “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Nhưng, cái làm nên hồn cốt của đất ngàn năm văn vật, cái không thể tả được thành lời, cái nối lịch sử, hiện tại và tương lai, chính là cuộc sống sinh động và đầy màu sắc của phố cổ.

Một người Nhật, ông Kato Norio, nguyên Trưởng ban tiếng Việt đài truyền hình NHK đã gọi đó là “một cái gì đấy”: “Hà Nội là một thành phố lạ: Đằng sau sự thay đổi trông thấy rõ như những khu đô thị mới xuất hiện, những khách sạn, nhà hàng mới được khai trương, những đường sá và hạ tầng cơ sở mới được xây dựng… là cuộc sống phía sâu bên trong, vẫn bền bỉ một cái gì đó không dễ gì đổi thay”. Kato Norio, sau khi về hưu đã chọn Hà Nội, với “một cái gì đó”, chứ không phải Tokyo, để làm nơi sinh sống cuối cùng của mình.

Nhà thơ Trần Quang Quý đã có một câu thơ rất đẹp về Hà Nội:

Cô hàng cốm,

Gánh mùa thu vào phố

Tiếng rao đêm. Những gánh hàng hoa. Những “cô hàng cốm”. Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo”… Bên này một cửa hàng tạp hoá có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho, có cô hàng thuỳ mị mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia, nhà một ông cụ Tú, có tiếng trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ”  như trong văn của Thạch Lam về một “Ngày ấy”. Tất cả dường như là những nhân tố từ một ngàn năm cũ đã làm nên cuộc sống sinh động, làm nên cái hồn cốt của phố cổ.

 

Theo những nghiên cứu của PGS TS Pham Văn Tình, chữ “Kẻ chợ” độc đáo của Hà Nội đã có trong sách vở, thậm chí trong một cuốn từ điển từ những năm 1651. Đó là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma, 1651. Mục từ Kẻ được A. de Rhodes giải nghĩa: “Những người, chỉ dùng nói về người ta khi nói cách không kính trọng. Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh“. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam,  ghi: “Trong những thế kỉ 17-18, các nhà buôn và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam thường gọi Thăng Long là Kẻ Chợ“.

Theo TS Phan Văn Tình: Tuy chỉ là một cách nói dân dã, nôm na song càng ngày Kẻ Chợ càng trở nên đắc dụng do sự độc đáo, gây sự chú ý về ngôn từ. Đặc biệt, nó được coi như một dấu tích ngôn ngữ “hoá thạch” của một thời, phản ánh chân thực một hoạt động quan trọng, chủ yếu, phổ biến của mảnh đất kinh kì Thăng Long từ xưa đến nay, khi nơi đây trở thành một địa điểm sản xuất, buôn bán, lưu thông các sản phẩm hàng hoá… nhộn nhịp, sầm uất: “Chàng về Kẻ Chợ thăm thầy/ Nhớ mua cau đậu trầu cay cho nàng” (ca dao).

Bây giờ, phố cổ Hà Nội đã “Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa“. Không còn mấy về dĩ vãng, về cảnh phố xá kinh kỳ hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc, đi từ Bát Tràng đến Hồ Tây để chữa cho hoàng tử. Chữ “Kẻ chợ” cũng không còn là một tên gọi để chỉ một Hà Nội hiện đại. Nhưng nhịp sống tấp nập, đầy những màu sắc không thể tìm kiếm ở bất cứ nơi đâu khác của phổ cổ Hà Nội thì vẫn còn nguyên. Tất nhiên, còn đó cả tính cách “kẻ chợ”.

Cuộc sống ấy làm say mê các chuyên gia người Đức của Viện Goethe. Màu sắc ấy đã làm “phát cuồng” những nhà bảo tồn người Pháp. “Phát cuồng” là chữ mà thị trưởng Toulouse, ông Jea Luc Moudenc đã dùng để chỉ tình cảm của mình với những khu phố bé nhỏ, bàn cờ, nơi có những ngôi nhà nằm xếp bên nhau theo lối hộp diêm. Jea Luc Moudenc gọi phố cổ Hà Nội là”khu phố độc đáo có một không hai”. Và chính KTS Jean- Pierre Pribetich, một người thuộc Bộ Văn hoá Pháp, chứ không phải những nhà bảo tồn người Việt, đã liên tục lên tiếng về việc hoàn chỉnh “Hồ sơ đề nghị xếp hạng Phố cổ HN là Di sản thế giới” để trình lên UNESCO.

Việc có một hồ sơ để trình Unesco là cần thiết, nhưng cái cần bây giờ là phải giải quyết câu chuyện “nhà ổ chuột” đằng sau vẻ giăng mắc hào nhoáng ngay giữa đất phồn hoa kinh kỳ

Từ 11 năm nay, có hàng chục dự án đã bàn đến chuyện cải tạo và bảo tồn khu phố cổ. Nhưng bàn đến và để đó. Và đằng sau những cái “khuất khúc” là những khu ổ chuột với ngõ nhỏ tối tăm, hố xí thùng, bếp than tổ ong, buồng tắm quây bằng vải mưa trên phố và người chồng lên người. Nhà số 47 Hàng Bạc được coi là một trong số nhà cổ nhất với niên đại 180 năm, nơi mà mỗi bậu cửa, mảng tường đều ghi dấu ấn của lịch sử, đang chết chìm trong sự quá tải với 5 hộ gia đình, 30 nhân khẩu đang sinh sống. Có người nói, người dân phố cổ Hà Nội giờ đã trở nên “kẻ chợ” hơn khi hàng đêm vẫn kiên trì đút chân vào gầm tủ để ngủ với chỉ nửa người trên manh chiếu nhỏ. Khi hàng trăm người ở Hàng Thùng, Hàng Thiếc bám trụ trong 4m2 nhà mà mỗi chuyện “ngủ” cũng là cả một vấn đề dù đã nằm xếp như cá hộp. Khi 50 hộ và 200 con người ở 53 Hàng Buồm sáng sáng vẫn vui vẻ,  nhẫn nhịn xếp hàng đi chung mỗi cái nhà vệ sinh bé bằng bàn tay. Lại có người khác, cũng nói rất đúng rằng: Nhìn thực trạng khu phố cổ Hà Nội thì rõ là đang có sự chuyển động ngược, âm thầm và cay đắng theo chiều tỷ lệ nghịch với con số đếm ngược hàng ngày trên chiếc đồng hồ mà chính quyền Hà Nội cho dựng lên gần đền Bà Kiệu. Ngôi nhà cũ của danh nhân Nguyễn Văn Siêu ở số 12-14 phố mang tên ông. Nhà số 86 hiệu Chân Hưng của gia đình cố GS Phạm Huy Thông, nơi đã tổ chức đám cưới của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà số 10 Hàng Đào, nơi hơn 100 năm trước đây (năm 1907) vẫn là trường Đông Kinh Nghĩa Thục…chỉ là một trong số 245 ngôi nhà cổ và 614 ngôi nhà cũ đang xuống cấp trầm trầm trọng. Chữ trầm trọng có thể hiểu là có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Đằng sau những cái khuất khúc của “phố cổ”, nơi rất có thể bỗng nhiên hiện ra một mái đình, một pho tượng, giờ đây đang là sự biến mất của các di tích. 165 di tích các loại. Con số đó là cố định. 60 di tích không còn dấu tích. Con số này thì đang dần tăng lên. Và sự quá tải, một ngày nào đó sẽ biến tất cả những di tích thành phế tích. Như câu chuyện buồn của nhà sư Thích Minh Sơn ở Đền Hoả Thần, số 30 phố Hàng Điếu. 6 hộ dân đã sống nhờ cửa đền từ rất lâu rồi. Họ không nhà không cửa và ngoài “cửa đền” ra cũng không biết đi đâu. 6 gia đình đó vẫn đang sinh sôi thêm nữa, thêm mãi. Và giờ, ở đền Hỏa Thần, không còn phân biệt được đâu mà thần, đâu là người, ở đó, người dân khi đã nhờ được thì không còn nghĩ đến chuyện rời đi nữa. Và những người già, ngoài câu chuyện mưu sinh bên quán chè chén, bé bằng chiều rộng giữa hai mép cột điện, thêm một nỗi lo toan những thằng con trai quá lứa không lấy được vợ. “Cuộc sống chật chội và nghèo khó đến mức hai người con trai, đều đã xấp xỉ 40 mà vẫn chưa anh nào lấy được vợ”.

Tính cách kẻ chợ chính là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc di dân ra khỏi phố cổ dù có khi 4m2 phố cổ đó được “mặc cả” bằng 80 m2 chung cư hiện đại.

Và việc bảo tồn phố cổ, không như kỳ vọng dựng lại một khu phố mang đủ phong vị của phố thị Thăng Long xưa, chỉ mới dừng lại ở mức độ “thí điểm”: Số nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào, thêm một đoạn phố Tạ Hiện nhân 1000 năm Thăng Long. Sự quá tải, cùng với tính cách kẻ chợ rõ ràng đã vượt xa so với sự tính toán của các nhà bảo tồn cả ta, lẫn Tây, lẫn Nhật. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc không ít lần đã nói về tính “hàng phố, hàng phường” của người Thăng Long- Kẻ Chợ. Giờ đây “Người ta quá trọng đồng tiền mà thành vô luân hay quá đề cao bản ngã mà trở thành ích kỷ, sẵn sàn vứt rác sang hàng xóm, không như ngày xưa bố mẹ dạy con ra hè quét rác quét luôn giúp láng giềng…”- ông than vãn

Đã có từ thời Cao Biền, thế kỷ thứ IX, nói như ông Vinh Phúc: “Nếu phố cổ xưa mang vẻ đẹp của một cô gái mỏng mảnh, vóc liễu mình mai thì giờ đây vóc dáng ấy đã… phát tướng” khi mà “văn hóa kẻ chợ” đã ứng xử một cách thô bạo với những ngôi nhà có lối kiến trúc cổ, không nhiều, còn sót lại.

“Đôi khi đi qua, một cánh cửa hé mở, chúng ta được thoáng nhìn vào; bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một ông cụ già cúi mình trên cây cảnh. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ” Dường như từ những năm 30 của thế kỷ trước, Thạch Lam đã nhuốm màu phiền muộn trước sự đổi thay trong những “cuộc phiếm du ngoài phố” khi ông “Nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta“.

Đào Tuấn

Áy tài mưa Sam Síp

Ghi phía trên đèo Sam Síp

 

1- Trước khi đi Ngọc Chiến, chúng tôi đã được anh Quân, chánh văn phòng huyện uỷ Mường La (Sơn La) thông báo rằng : “sẽ đi bộ” và “chỉ mất một ngày đường”. ý anh Quân là mong chúng tôi thấy được cái khổ của đồng bào. Anh bảo: Có nửa câu thơ bút tre rằng “chưa đi chưa biết Ngọc Chiên (Chiến)….”, khi đi về rồi thì chắc nhà báo sẽ điền nốt.Trước đây tôi cũng đã từng đi vùng cao nhưng chưa bao giờ biết “một ngày đường” có nghĩa rằng là bao nhiêu. Anh Thắng, xe ôm, người xứ Thanh vào Mường La lập nghiệp, người được xem là có cái xe Min khoẻ nhất huyện cho biết “từ Mường La vào Ngọc Chiến 46 km nhưng phải qua một đèo Sam Síp (đèo 30- tức là có 30 cái dốc)”. Trước khi chúng tôi lên đường, trong bữa cơm chia tay, anh Khánh, một chuyên viên văn phòng đã kể lại chuyến đi của anh, rằng: Khi lên được đến nơi, phải dùng hai tay bê chân nhấc qua bậu cửa, “người ta biết mình mệt quá, người ta bê mình lên giường”. Ngọc Chiến là xã xa nhất của Mường La, của Sơn La, và lên Ngọc Chiến không có phương tiện gì ngoài đôi chân. Tôi với Hưng, một đồng nghiệp ở Sơn La vẫn quyết định sẽ lên đường. Chiều hôm trước, chúng tôi ra chợ huyện mua hai đôi dép nhựa “SONY WALK MAN”, loại dép đồng bào vẫn ca ngợi là “đi vòng quanh thế giới”, để vừa có thể leo dốc, vừa có thể lội suối.

2- Người Thái có câu: “áy sỉ pay Mường Chai, áy tài mưa Sam Síp”, có nghĩa ( Muốn vui thì đi Mường Chai, Muốn chết thì đi Sam Síp), đủ thấy đường lên đèo Sam Síp gian nan đến như thế nào. Đường núi bò ngoằn ngoèo, một bên là núi, một bên là vực sâu. Núi rừng sâu thẳm một cách dữ dội. Đầy mây và gió. ở đây không có hình ảnh “chân đạp mây, đầu vờn gió núi”. Tôi càng leo càng tức ngực hoa mắt, chân tay người ngợm rã rời. Cả Hưng và tôi đều bị chuột rút, bàn chân bỏng rát sưng phồng. Đi gần đến bản ít, một gia đình người Thái đang hối hả cáng người nhà đi bênh viện huyện. Nghe hỏi, họ chỉ kịp nói người nhà bị đau bụng dữ dội từ đêm qua và họ đã đi xuyên qua đêm suốt từ bấy đến giờ. Người bệnh mặt nhợt nhạt, đau đến không mở được mắt. ở trên chính con đường này, có những người đã không dậy nổi vì bệnh trọng lại không kịp đến bệnh viện. Ngọc Chiến được xem là xã đã có đường ôtô vào đến trung tâm xã, lại nghe nói đường lên Ngọc Chiến sau này sẽ được mở rộng để thông sang Yên Bái qua ngả Nghĩa Lộ, nhưng rồi thì khi vượt đèo Sam Síp, mới thấy, chẳng có loại ôtô nào có thể đi nổi. Dạo thông xe lên Ngọc Chiến, những cụ già người Thái, người Mông cơm đùm, cơm nắm từ bản xuống xem, rồi khóc. Rất nhiều đời, người Ngọc Chiến, cũng như người dân các xã vùng cao Sơn La chỉ mong ước được nhìn thấy một chiếc xe chạy lên xã. Nhưng thông xe xong, chỉ qua một trận mưa là lại hết đường cho xe chạy. Lúc ấy, người ta lại trông cậy vào đôi chân, “phương tiện” duy nhất, chung thân với cuộc đời họ. Đang là mùa mưa con đường biến mất trong những đoạn sụt dài, tạo thành từng cái dốc nghiêng, trơn, thụt nhìn xuống những vực đá sâu hoắm. Một đồng nghiệp của tôi ở báo Sơn La nói ở Sơn La, còn có những xã được xác định là không có con đường nào có thể lên nổi. Người Thái, người Mông Ngọc Chiến nói con đường nó gian khổ quá nhưng cũng may là cán bộ không ngại xuống với dân, Chủ nhiệm uỷ ban dân tộc và miền núi Cư Hoà Vần, rồi bàTòng Thị Phóng cũng đã có lần xuống rồi. Nhưng cũng người dân nói cán bộ xuống rồi, nói rồi, hứa rồi nhưng làm thì chưa được bao nhiêu cả. Như tôi, lên đến Ngọc Chiến rồi thì không muốn về nữa, bởi không tin rằng mình có đủ can đảm để đi nổi 46 km, vượt nhiều cái dốc, nhiều con suối, trong đó có cái dốc Sam Síp “hút mất hơi người”.

3- Chúng tôi gặp Kiêm, một thanh niên từ bản Mường Chiến. Ngày tết độc lập 2-9, Kiêm lội bộ 46 km xuống huyện mua kem về bản bán. Một cây kem mua 120 đồng, bán 500 đồng, lãi ròng 380 đồng. Một thùng kem lãi được 50 ngàn. Cái kỳ công, cũng là cái khốn khó là ở chỗ một năm chỉ có một dịp làm ăn bở đến như thế. Kỳ công còn ở chỗ: Kiêm, cùng với một “lái buôn” nữa phải đi suốt ngày mùng một để xuống huyện, rồi lại đi suốt đêm mùng một khiêng vác, nâng như nâng trứng, để giữ cho kem khỏi tan và kịp bán vào sáng mùng hai, rồi lại đi cả ngày mùng ba để trả thùng, rồi đi một ngày mùng bốn nữa để hoàn thành công cuộc kiếm 50 ngàn, chia đôi được 25 ngàn. Bốn lần đi lại, mỗi lần mất cả ngày đường để kiếm được 25 ngàn, chưa tính tiền cơm. Trên chính con đường này còn có bao nhiêu cảnh đời phải vật lộn để kiếm ăn: Một nhóm thanh niên Nam Định cơm đùm cơm nắm đẩy xe thồ chở xoong nồi lên bán, xe thồ lên Ngọc Chiến vượt núi, vượt đèo, vượt suối mất cả ngày rưỡi. Chiếc xoong 10 lít mua buôn dưới xuôi chỉ 8 ngàn, lên bán đến 15 ngàn. Có cung là có cầu, chỉ có điều,  một gia đình người Mông không bao giờ có đủ trong nhà 10 ngàn đồng cả, lại phải mua hàng, hàng gì cũng vậy, đắt gấp đôi miền xuôi. Đã nghèo còn khó thêm nữa.

4- Nói về cái khó của người Sơn La, ông Nguyễn Duy Nhượng- trưởng ban dự án Sông Đà có một câu rất hay rằng: “Không làm thì thiếu, làm thì thừa”. Bởi vì sao ư, bởi vì hàng hoá ở Sơn La từ xã xuống đến huyện do chi phí chuyên chở đã đội gía lên gấp đôi, từ huyện xuống tỉnh, rồi lại từ tỉnh đi đến các thị trường ở cách Sơn La ít nhất 200 km với vô vàn những lần cài số 1 để lên dốc, rồi lại cài số 1 để xuống dốc. Những khu vực di cư của Sơn La đang phải chịu thường niên sự khốn khó vì thiếu con đường ngay trong chính bữa ăn thiếu vị mặn của mình. Ông Nhượng nói cái khó nhất của Sơn La trong việc mở hướng cho đồng bào tái định cư là trồng cây gì, nuôi con gì mà không bị ảnh hưởng bởi vấn đề đường xá. Không làm được thì lo bà con không có gì để sống, làm được, có năng suất, có dư thừa thì lại không biết “lưu thông” đi đâu. Trở lại với Ngọc Chiến, chủ tịch xã, ông Lò Đẩy vừa mừng, vừa lo thông báo rằng chương trình thử nghiệm giống khoai tây Hà Lan cho thấy khoai có sự thích ứng tuyệt vời với đồng đất Ngọc Chiến vốn quanh năm có khí lạnh, ở độ cao hơn 1000m so với mức nước biển. Năng suất lên tới 16-17 và có thể nâng lên 20 tấn/ha. Nhưng, (lại nhưng) xã bây giờ cũng không dám khuyến khích dân trồng khoai đại trà. Cái lo nhất là nhà nước không bao cấp đầu ra, còn dân tự tiêu thụ thì không xong , vì thiếu con đường, chưa nói đến chuyện đội gía lên gấp đôi, gấp ba vì cước vận chuyển. Hôm đi cùng tôi, anh trưởng ban văn hoá xã khoe Ngọc Chiến có con suối nước nóng, “mai sau” có thể phát triển thành khu du lịch nghỉ ngơi với không khí như Đà Lạt, Tam Đảo. Nhưng mà việc trước mắt bây giờ là những con đường. Sơn La khó có thể phát triển, chưa nói là theo kịp miền xuôi, nếu không có những con đường . Mà con đường thì thuộc về phạm trù cơ sở hạ tầng “có đầu tư nhưng không thấy có lợi”.

5.Tôi đã đọc “Xoè” của Nguyễn Tuân. Đó là lời thở than cho thân phận kỹ nữ dưới thời “vua Đèo Văn Long: Nhưng sàn gỗ đun vạc dầu; Bậc thang trăm bậc dốc đứng bên bờ sông Đà mòn dấu chân các “cô xoè con đòi”; Những bước chân vun máu đồng nữ; Mối tình bi luỵ của cô gái xoè Lò thị Chờ. Và nữa, cả tiếng thở dài của bà mẹ Thái, “tiếng thở dài ấy còn buồn hơn cả tiếng vật mình của cối nước giã gạo đêm”. Nhưng không ngờ rằng mình đã được chiêm ngưỡng xoè lần đầu tiên ở chính tại Ngọc Chiến. Cô gái xoè, mặc dù ở vùng 3 (vùng núi cao, dân tộc) trước ánh đèn flash, không hề xấu hổ. Vẫn là áo váy xênh xang nhưng đã biết xoay mình, mỉm cười làm duyên. Những bản làng ở đây nghèo, nhà sàn thấp bé, nom có vẻ lam lũ. Ngày tết độc lập, những người nam, người nữ của bản mặc quần áo đẹp lên nhà văn hoá bản xem múa xoè. Đối với ngay chính họ, xoè vẫn cứ là món ăn tinh thần chỉ có, chỉ được thưởng thức trong những dịp lễ tết, hội hè. Và đã là bản Thái thì không ngày hội nào là không có xoè. Bản Thái nghèo, không mấy nhà có đến hai con trâu, người dân ngày ngaỳ vẫn đầu tắt mặt tối với nương, với ruộng, dầu vậy, các cô xoè khi đã lên sạp thì không còn vẻ gì là lam lũ nữa. Nghệ thuật và niềm say mê nghệ thuật đã nâng bàn chân thêm dẻo, đã uốn cho bàn tay thêm  cong thêm mềm. Các cô xoè cho bà con dân bản, cho khách qua đường và cho chính các cô.

“Khăn xéo” vắt trên vai áo chàm

“Khăn piêu” quàng trên áo cón

Tất cả rung lên-cả rừng hoa chao đảo

“Đàn bướm” cúc muốn bay khỏi ngực.

Một nhà thơ của Sơn La đã viết như vậy về xoè. Bản Thái nghèo, nghèo cả tiếng vỗ tay mỗi khi điệu xoè dứt nhịp, nhưng đó là thứ xoè thực sự của người Thái. Cuộc sống của người Thái không thể thiếu xoè- Hưng nói như thế, mẹ anh cũng là một phụ nữ Thái, và với tôi, Hưng tự hào về điều đó. Hưng tốt nghiệp đại học báo chí. Anh là một người năng động, tôi nghĩ thế. Bằng chứng là Hưng cùng bạn bè tổ chức một câu lạc bộ tiếng Anh. Câu lạc bộ duy nhất ở Sơn La. Bây giờ, có lẽ Hưng đã là một phóng viên khá của Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Sơn La. Sau khi Hưng ra trường, không phải là anh không có cơ hội để được hành nghề tại Hà Nội. Nhưng Hưng đã về quê. Bởi vì nếu tất cả các trí thức đều bỏ quê mình mà ra đi thì miền núi không bao giờ theo kịp miền xuôi. Sơn La có lẽ cần nhiều những con người như Hưng. Chỉ tiếc là những người như Hưng thì hiếm lắm.

6. Tối, bí thư đảng uỷ xã kéo theo vài cán bộ xã đến chia tay. Tần ngần mãi ông mới thổ lộ: Tôi hỏi nhà báo thế này. Trước đây cả xã trong nhà có ảnh Bác và ảnh của diễn viên điện ảnh Diễm Hương. Nhưng mà bây giờ, nghe đồn Diễm Hương đã bỏ đi nước ngoài rồi. Người Ngọc Chiến đã cất hết ảnh vào hòm. Cô ấy có đi thật không? Tôi không nhớ mình đã trả lời như thế nào khiến cho ông em của bí thư càu nhàu: Chúng tôi ở đây cư như bị bỏ rơi, chẳng biết gì cả. Tôi hứa, đại ý như là khi quay về Hà Nội sẽ điện hỏi rõ thực hư. Tôi nghĩ nếu mà Diễm Hương biết được mình có những khán giả như thế này thì không khi nào cô bỏ đi cả. Hình như người Ngọc Chiến đang chờ với nhiều lắm những nỗi niềm, không chỉ là chờ những lời hứa

Đinh Gang, người kể chuyện của đại ngàn

Hở bắp chân sấm rền dữ dội

Đinh Gang chỉ có hai cái khố. Đêm đêm, bên cái nhập nhoạng của bếp lửa, Gang kể Hơ mon (sử thi) bằng giọng ca cao vút như âm vực của đàn đá. Trong câu chuyện ấy, có chàng  trai J”rai Dyông Dư tài giỏi, mũi tên của chàng leo lên đến đỉnh núi Kăh Ping cao vút; có Bia Brâu (nàng Brâu) xinh đẹp, cái đẹp của nàng như con chim vẹt ngoài rừng. Chêt chêt chêl chêl khit khing ding tơgrung dung gruih, tiếng chiêng bay tròn bên mái nhà rông. Các nàng xinh đẹp nhún nhảy đôi chân, huơ huơ đôi mông. Gang kể chuyện trong mái nhà đầy bóng tối và nồng nặc mùi khai. Vợ Gang, một phụ nữ 60 tuổi  lấy Gang theo tục nối dây, lẳng lặng che chăn thay khố cho chồng. Bà đem chiếc khố ướt ra phơi ngoài cây đào trước cổng, mang chiếc khố đã khô vào thay. Đêm cứ thế trôi, rượu ghè cứ thế chêm nước, chàng Dyông Dư đã uống rượu đến cạn nước sông Ba, sông Yun Pa, nàng Brâu đã dệt nên tấm áo mới, tấm áo có hương vị của bắp non, và những chiếc khố ướt lại được đem ra phơi.

Gang sống ở làng Hơn, một cái làng bé tí xíu với ba chục nóc nhà nằm xa lơ xa lắc dưới chân dãy Chro thuộc xã Yama huyện Kông Chro, Gia Lai. Đây là vùng đất căn cứ của Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. Đó đây vẫn còn sót lại những di tích được đánh số. Chẳng hạn 1- Ao ông Nhạc; 2- Kho tiền ông Nhạc…Từ An Khê và Kông Chro chỉ có một đường độc đạo leo qua một cái đèo dài toàn là vách núi và vực, một khung cảnh dữ dội cực hiếm của Tây Nguyên. Đường vào Hơn như đường thằn lằn bò. Dân Hơn từ khi đẻ ra trên nhà sàn cho đến khi về với ông bà tổ tiên thường hướng lên núi chứ chẳng mấy khi ra huyện, thành thử con đường nhiều chỗ chỉ bé bằng hai bàn tay, lụt trong cỏ tranh cao quá đầu người. Hơn lành. Không khí trong trẻo. Nắng trong trẻo. Aánh mắt người Hơn cũng trong trẻo. Hơn hiền hoà. Buổi chiều, làng chỉ có tiếng gió sào sạc qua mái liếp, tiếng gà gáy lảnh lót giữa cảnh âm u của núi rừng và tiếng trẻ con ríu rít như chim ngoài rừng. Gang không có nhà, đã đi rẫy. Chúng tôi theo anh Êu, cán bộ phòng văn hoá thông tin huyện ngồi đợi Gang trên nhà rông của làng. Làng Hơn nghèo. Cái nghèo lỗ chỗ trên mái nhà rông. Bếp nguội lạnh, tro cũng không còn. Ở góc thiêng của nhà rông, biểu tượng cho làng của người Tây Nguyên, một ghè rượu lăn lóc bốc mùi chua loét, cây cột đâm trâu nằm lăn lóc phủ bụi tầng tầng . Từ lâu lắm rồi làng Hơn không có múa hát, lễ hội, không có uống rượu ghè. Một làng Tây Nguyên mà không có rượu ghè uống thì được coi như là làng chết vậy. Theo trưởng làng Đinh Cheng thì Hơn có 31 hộ/262 nhân khẩu. Cheng vừa đi uống rượu về, nói là đi họp xã, cuốn sổ cắp dưới nách đã nát nhừ nhưng chưa hề viết một chữ nào. Vừa dùng chân, vừa dùng tay khoát khoát mấy vòng, Cheng bảo “Làng không có lúa nước đâu”. “Lúa rẫy à? Mỗi nhà được 5-6 gùi mỗi mùa thôi”. Đương đúng độ giáp hạt, dân làng đã phải đi bẻ bắp non về ăn. Bắp non mọng sữa nhưng ăn hai hôm thì cái bụng nó kêu sùng sục. Chúng tôi gặp Keng, cô gái 16 tuổi đã có chồng và con đi hái trái bơ về. Keng má hồng, người đầy mồ hôi. Trên vai cô chất ngất một chiếc gùi to tướng đầy những trái bơ non bằng quả trứng gà. Mấy bữa nay nhà Keng ăn chỉ toàn ngô. Chồng cô, một chàng trai 17 tuổi, bảo: “Đói rồi. Không đợi bơ lớn được đâu”. Thế là Keng đi hái bơ bán 500 đồng một chục trái.

Gang về vào lúc chiều nhập nhoạng, đó là một người đàn ông bé nhỏ, đen đúa, gầy guộc như củ sắn còi. Đôi bàn chân trần to bè, bắp chân như ống sáo thui tro bếp. Gang vừa đi vừa hát. Giọng hát của ông lục cục những đá sỏi và cỏ tranh, khi lại chấp chới như cánh bướm ngoài rừng, lúc ồn ào rầm rập như bước chân voi, chân ngựa. Đôi mắt của Gang sáng long lanh, cái tinh khiết ngây thơ của kẻ chưa nếm chút bụi trần. Như tất cả những người làng Hơn khác, ban ngày, Gang như con dũi chui vào lòng rừng kiếm ăn. Cái đói, cái khát có ngay ở trong gùi của ông: 4 con cá bé bằng hai ngón tay, 6 quả cà đắng và một nắm rau nhàu nhĩ. Buổi tối nay, với những thứ đó, thêm vào mấy bắp ngô, 6 con người của nhà Gang sẽ lại có một bữa tuý luý. Dứt khoát Gang sẽ khui một ghè rượu. Thức ăn thì có thể không có trong dạ dày chứ rượu thì không thể không có.

Chúng tôi nhờ Giai, một thanh niên 21 tuổi, tóc xù đỏ nắng có hai vợ và hai con đi mua hộ hai con gà to nhất làng để làm “lễ nhờ vả”. Gang không phải là người  khó tính, tôi nghĩ thế. Nhắp một ngụm rượu, ông bảo đêm nay sẽ kể hơ mon Dyông Dư, hơ mon Bia Brâu những sử thi có tính chất anh hùng ca và trữ tình của người Bahna. Chúng tôi ngồi trên nhà sàn cẩn thận đếm những ghè rượu. Hồi xưa, Hơn, cũng như tất cả các làng Tây Nguyên khác nhà nào có nhiều trâu bò, nhiều ghè rượu là nhà giàu trong vùng. Gang có hơn ba chục ghè rượu nhưng không phải là người giàu, vì đó là rượu được cho. Không có một chút gì trong ngôi nhà sàn này chứng tỏ chủ nhân của nó là một nghệ nhân hát hơ mon nổi tiếng nhất trong tộc người Bahna ở Tây Nguyên.

Bóng tối chụp xuống rất nhanh. Ngọn núi Chro chỉ còn là một đám sẫm màu. Cơm được dọn ra. Đeh, vợ Gang đi mượn được hai chiếc đèn cầy. Chúng tôi xúm lại trong bóng tối. Thắp mãi mà đèn không sáng. Hoá ra hết dầu. Trưởng làng Đinh Cheng phân công Giai đi khắp làng, cuối  cũng cũng xin được một dúm dầu đựng trong một chiếc lá. Đèn được thắp lên, ánh sáng vàng vọt bé bằng hạt đỗ, sáng được mỗi đĩa muối, trẻ con reo hò khoái trá, người lớn cũng vui, trong mắt có ánh lửa. Người Bahna có tính cộng đồng rất cao, một nhà có khách, có nghĩa là cả làng có khách. Lẳng lặng từng người làng Hơn đến, âm thầm ngồi sau bếp lửa tay vít cần rượu. Bữa nay có khách  “từ Hà Nội vào”, Gang khui liền một lúc hai ghè rượu, ông vui lắm, ánh mắt sáng biếc như ánh trăng rừng.

 

(Sáng đầu gối -dông nổi đầy trời)

Cái đẹp của Bia Brâu từ ở nước da trắng ghê trắng ghớm. Cánh tay mềm mại tựa bông, tựa mây trên trời, ngón tay lóng lánh như đeo bạc, bắp đùi lóng lánh như dính những hạt vàng li ti. Nàng đẹp như con nhện, xinh tựa ong chúa, đẹp như ánh mặt trời, dịu dàng như ánh sáng mặt trăng

Bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng

Lung linh sáng cả một vùng xung quanh

Hở bắp chân- sấm rền dữ dội

Sáng đầu gối- đông nổi đầy trời

Trắng bắp vế- mưa dâng khắp nguồn sông Ba, sông Yun

Ba trăm lớp váy màu đen thẫm

Da thịt vẫn như lúc trần truồng..

Khi kể về vẻ đẹp của Brâu, đôi mắt Gang long lanh tình tứ. Gang là kẻ tật nguyền. Gang, người bất hạnh. Từ mười năm trước đây, trong một lần đi rừng trèo cây đặt bẫy, người đàn ông Bahna 50 tuổi này đã ngã từ cây cao xuống đất. Cành cây đã đâm thủng bàng quang của ông. Như tất cả những người làng Hơn khác, Gang chỉ quấn chặt khố cho máu thôi chảy, và khi máu thôi chảy rồi thì có nghĩa là con ma đã không còn bắt người nữa. Thôi. Không phải chữa trị gì cả. Di chứng của cú ngã này đã khiến bàng quang của ông bị thủng, ông không điều khiển được việc tiểu tiện của mình. Gang gọi việc này là “Tự nó đái thôi”.

Gang đầu gối lên một đống quần áo, bao gói nhùng nhình và đen thui, tay phải đặt trên bụng, tay trái vắt trên trán, đôi chân trần trụi dưới khố gác chữ ngũ. Ông kể bằng giọng hát véo von:

Dyông Dư, Mong Maih và bia Chăm uống rượu. 3  người cắm cúi cic cic cic uống. Mỗi người uống hết 8 sừng trâu. Họ uống rượu làm cạn cả nước sông Ba. Con trăn khổng lồ dưới đáy sông nóng quá không chịu nổi, quẫy đạp kêu la ầm ĩ.

Những bản sử thi dài, Gang kể hết 5 đêm, kể từ lúc ghè rượu còn ngọt lừ, say ngất ngư cho đến khi trong cần chỉ còn nước trắng không còn mùi của rượu. Riêng hơ mon Dyông Dư đã được kể trong suốt 10 đêm với 9 băng cát sét, tương đương với 13 tiếng và dài khoảng 6000 dòng. Gang nhớ được 6 sử thi. Ông sống tự do tự tại. Thích thì hơ mon. Đêm hơ mon, ngày cũng hơ mon. Ở nhà cũng hơ mon mà đi rừng cũng hơ mon. Gang vừa ho vừa hát, vừa hút thuốc vừa xoa dầu. Trong căn nhà của ông, chỉ có ánh lửa bập bùng, khi mờ, khi tỏ, chỉ có ngọn lửa nhảy múa trong ánh mắt.

Đinh Thị Đeh, vợ Gang đã 60 tuổi. Bà đã già lắm rồi. Chồng “nó” là anh trai của Gang đã mất, (theo tục nối dây của đồng bào Bana, khi anh trai chết, em trai sẽ lấy chị dâu). Khi Gang “bắt”, nó đã già đến nỗi “cái vú như trái bầu khô, sắp rơi xuống đất”. Không ai biết là bởi vì sao nhưng Gang không có con. Đây là nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời một con người, tôi nghĩ thế. Đeh quay sang những đứa con của mình, ánh mắt bà ấm như ánh lửa. Hai vợ chồng bà nuôi 5 con. Đinh Thị Thương đứa lớn nhất, 11 tuổi, không biết nói (bị câm), không có cái chữ. Cả 5 đứa lầm lũi ăn trong bóng tối, không có một tiếng động nào. Buồn thế.

Nhưng nhà Gang không có ai buồn cả. Mỗi khi câu chuyện được kể mỗi đêm, mỗi khi rượu ghè đổ nước, má Đeh đỏ, miệng Đeh cười, chếng choáng say. Ngay cả những đứa trẻ cũng tưởng tượng mình là chàng Dyông Dư tài giỏi, đẹp đẽ đang cic cic uống rượu với Bia Chăm đến cạn cả nước sông Ba.

Gang không có trâu bò. Đêm hát, ngày vác dao lên rừng. Suốt cuộc đời 50 năm của mình, Gang chưa từng đi quá con dốc đầu làng, dẫu là các nhân vật trong hơ mon của ông lên rừng xuống biển với yêu đương, đánh nhau, si mê và say rượu.

Nhân tiện nói thêm là Hơ mon, tức sử thi của người Bana mang tính trữ tình nhiều hơn tính chất anh hùng ca và sử dụng rất nhiều hình ảnh, rất nhiều từ ngữ mô tả âm thanh. “Tiếng cồng chiêng Chêt Chêt Chêt, khing khing ding teg rung dung. Tiếng chim diều hâu: Kek coc klel klang klel gruil. Hình ảnh: Cười ngất ngưởng, cười đau cả bụng, cười đầy cả mồm.. Sau rất nhiều năm, lần đầu tiên, Sở Văn hoá thông tin Gia Lai đã cho ra mắt bạn đọc 2 cuốn sử thi Dyông Dư và Bia Brâu. Đây là những nỗ lực rất lớn trong điều kiện kinh phí eo hẹp để gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng người Bana đang phải đối mặt với tình trạng thất truyền những hơ mon cuối cùng. Ở  Hơn, ngoài Gang không ai biết kể hơ mon cả. Trưởng thôn Đinh Cheng nói hồn nhiên: Hơn chỉ cần một người biết kể thôi. Còn Giai, thanh niên ưu tú, thông minh nhất Hơn thì bảo: “Nghe người ta hát, kể thì nhớ trong tai chứ không kể ra ra miệng được”. Ông Nguyễn Thanh Minh, trưởng phòng văn hoá huyện Kông Chro cho biết ở Kông Chro có đến 68 nghệ nhân kể hơ mon nhưng bây giờ thì chỉ còn 16 người còn đủ sức để nhớ, để kể một hơ mon.

Duch Bum và Seh Tang hai người yêu nhau, một người chết. Họ yêu nhau và họ chết cũng nhau. Đấy là bản hơ mon trữ tình và đau buồn về tình yêu mà Gang đã kể cho chúng tôi nghe đêm đó. Ông giải thích: “Cha mẹ không ưng mà, thế thì họ phải chết cũng nhau thôi”. Không cần thêm lời cho cái chết vì tình yêu ấy. Người làng Hơn, Gang, Đeh, Giai, Keo cũng vậy. Họ sống, và vô tư, và yêu đương và say rượu, sống với con dốc nghiêng nghiêng, gà trống gáy, gió rào rạt từ núi Chro thổi về và những bản tình ca đẫm mùi tối tăm, đói khát và ẩm mốc như thế đấy.

Ngay cả chuyện “tự cái bàng quang nó đái”, ngay cả chuyện “vợ nó không đẻ được” cũng không làm Gang buồn, ông sống với những câu chuyện trữ tình và thượng võ trong hơ mon, vô tư lự như cây cỏ ngoài rừng. Êu, cán bộ văn hoá bảo: Ngày mai, ngày kia, ngày kìa, có khi là lâu hơn, nó (Gang) sẽ ở nhà hút thuốc lá, ăn thịt gà và uống rượu ghè. Bao giờ hết mới đi làm. Thế đấy. Và trong ngôi làng bé tí xíu chẳng hơn bất cứ ngôi làng nào trong chuyện cổ sẽ lại cất cao giọng ca của Gang.

Ba trăm lớp váy màu đen thẫm

Da thịt vẫn như lúc trần truồng…

Đào Tuấn

Quê hương  tôi  tự nó  đã  cao  rồi

Đây là bài phóng sự tôi viết khi đang học năm thứ 2 trường báo. Đây cũng là bài phóng sự mà vì nó, tôi suýt bị đuổi khỏi trường. Hôm đó, tôi đang ở trong lớp học thì bị gọi lên văn phòng khoa. Ở đó, tôi dúm dó trong những ánh mắt toé lửa, những khuôn mặt hằm hằm của một đám quan chức Hà Giang. Cả Công an, kiểm sát, và tuyên giáo, báo, đài. Những tưởng họ trói nghiến tôi lại đưa về Hà Giang ngay khi ấy.

Một thầy phó khoa sau đó nằng nặc và kiên quyết đuổi cổ tôi. Nhưng cũng may, còn có những người rộng lượng hơn. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự rộng lượng đó của Thầy. Và đây là từng chữ được post lại nguyên văn trong bài phóng sự đó

Không đi  thì chẳng thành quê

Muốn  lên Lũng Cú, muốn về Khau Vai

Trước khi  khoác túi lên cao  nguyên, tâm trí  tôi  chỉ vỏn vẹn  mấy câu  thơ của  anh  bạn  phóng viên báo  Văn Hóa. Và thêm nữa, hình ảnh  của  một thị  xã vùng biên xinh đẹp, nằm vắt vẻo  hai  bên bờ sông Lô; hình ảnh của  những  cô  sơn  nữ  e thẹn nép mình bên vạt ngô bên đường. Nhưng  còn có những điều  tôi  chưa biết  về hình ảnh  của  một Hà  Giang lè nhè tiếng sông Lô, liêu  xiêu  đôi  nhịp cầu  Yên  Biên và  lụt  chìm trong  thứ nước  mà  người  đời  thường gọi  tục là  rượu.

Bữa  cơm  của  tôi  ở Hà  Giang  có  điểm lý thú  riêng của  nó: Sáu  chai  rượu cho  ba thằng. Thực  ra là  hai  thằng và một ông. Nhưng đã  là  người  Hà  Giang thì khi  đã vào mâm, ông, thằng…như nhau  tuốt. Cơm  có  thịt  gà, mướp  xào và  măng chua, toàn  dạng  mồi tốt  cả. Nhưng đến  chén thứ ba của  chai  thứ hai thì ông già thằng bạn  đã bê nhầm bát nước  mắm. Thằng bạn  tôi  lè nhè triết lý: “Đời người, ngẫm ra, lúc  say  mới  là  tỉnh. Còn lúc  tỉnh thì nhìn quốc lại  hóa  ra gà”. Nhìn tôi  nhấp nhấp  chén rượu, nó mắng ngay: “Mày bỏ cái thói  tiểu tư sản thành thị  rởm  ấy đi. Người Cao  Nguyên (Hà Giang) chúng tao  ăn  rộng, nói dài, uống  cạn. Đấy là  bản sắc,…nó tự  do, phóng khoáng. Tao  về thành phố nghe tiếng chó  sủa  lách nhách, không chịu được”. Chai  thứ tư được mở  nắp. Cuộc  khẩu chiến về các  loại  rượu ngon bắt  đầu. Ông già  líu  ríu: “Tao  đi  từ Nam  ra Bắc, từ rừng xuống  biển, chưa thấy  đâu  ngon bằng  rượu Quản Bạ (Hà Giang)”. Lại  cười: “Nếch-cà phê-cờ lát sích. Vứt!Bia bọt  với  Sam Phanh hay  Dôn  diếc uống chỉ tổ nhạt mồm”. Thằng bạn  tôi  cũng  gật  gù: “Có  thế thật, tao  cũng  nếm thử Làng Vân với  Bắc Hà  rồi. Vớ vẩn cả”. Ông bố  đổ  tọt  chén  thứ ba của  chai  thứ  tư vào miệng, vỗ  đùi ông con: “Mày được, tao  thưởng cho  một  chén. Thằng  bạn  tôi  khoan thai  uống  chén rượu thưởng, bảo: “Mày không biết chứ. Hà Giang, thực ra là  tên tự của  dòng sông rượu. Cố uống đi  cho vui”. “Rượu là  tinh của  gạo  đấy! Cháu ạ!”.Ông  già thằng bạn  chỉ mời được  câu  cuối  như thế rồi từ từ gục  xuống.

Gùi đất đè nặng xuống đôi vai già nua. Đá nhọn sắc cào rách những bàn chân trần thơ bé

Hai  ngày lê la quanh  thị  xã với Nguyễn  Trọng  Tuyên, tôi “cho  chó  ăn  chè” tới  sáu bận. Người hao  đi  ít  nhất ba kg. Đâu  cũng uống rượu. Từ cửa  quan đến nhà  dân. Ai  cũng uống  rượu. Từ đàn ông  đến đàn bà, từ người già đến  con trẻ. Người  Hà  Giang  có  dáng  đi  liêu  xiêu. Rượu Hà Giang  chảy từ Nhà  Trắng  chảy xuống  sông Lô. Tôi  ngờ rằng một hớp  nước  sông  Lô  cũng  đủ làm cho  người  ta đỏ mặt, người kém tửu  lượng  có  thể đi  bằng bốn chân. Dạo  quanh  thị xã chỗ  nào cũng  thấy các  ông thần tửu, các  bà  thần tửu  nốc  rượu thay  cơm, cười nói hò hét vang  trời. Dường  như rượu là  một phần của  văn hóa  ẩm thực, là  một nửa  số máu  trong huyết quản của  người  Hà  Giang. Buổi  tối ngày thứ hai  phải dầm mình trong “văn minh rượu”, tôi  quyết  định  xin tá túc tại báo  Hà  Giang. Nói thực, dạ  dày tôi  bằng cái  chén con, hai  phát “pác phân pác” (100%) là  đủ  để  đi Hoàn Vũ không vé  khứ hồi. Nhưng có lẽ  mạng  tôi  đã đến  ngày mạt  vận, 24 giờ đêm, thằng bạn  bên đài Phát  thanh – Truyền hình lôi  chân, dí  vào mặt  tôi một can rượu tổ bố, lè nhè: “Ngủ là  chết trong đời một  ít! Dậy!Dậy!”. Xung quanh đã có vài ba ông  thần tửu mặt  vừa xám, vừa tái, vừa đỏ chờ đợi. “Lệ” của  dân văn, dân báo Hà  Giang thế là  quý lắm. Rượu rót ra. Một thi  sĩ ôm đàn hát: “Đời không  thuốc lá, chè đắng, rượu cay  đâu phải là  đời…”. Chất giọng  lâm ly hơn  Chế Linh, nào nùng hơn Hăm Lét. Một  văn nhân cao  hứng: “Đời là  một biển rượu, một núi thịt  chó và là  một  cánh  đồng bát ngát  rau  thơm…”. Lại bảo, trong  đời có lẽ  sướng nhất  là  thằng cha Lý Bạch, vừa là “tiên thơ”, vừa là  “tiên tửu”. Lại  than: “Nghĩ nhiều khi  như Lưu, Nguyễn  ngày xưa, hay  chí ít cũng là Chí  Phèo…cũng sướng”.

“Bầu cạn  rượu, đường  xa thêm…”Vứt, thằng Tuyên cáu – Tay  Tân Linh  này làm thơ “gửi  Hà Giang” mà  chưa biết gì về Hà  Giang. Hà  Giang  mà  cạn  rượu có mà  bằng sông Lô  cạn  nước”. Nom đám bạn  văn, bạn  nghề uống  rượu, tôi  liên tưởng  đến hai từ  “hũ chìm”, lại  liên tưởng tới câu: “Rượu  đổ hang chuột”. Người  Hà Giang uống  rượu  ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do  gì. Rượu để  suy  ngẫm về vị  đắng  của  cuộc  đời. Rượu  để  say  men  nồng tình yêu. Rượu  để xuống  cơ  sở. Rượu  để thêm phần can đảm mà vỗ  ngực  với  đời. Rượu  để thẩn thơ, bên hoa, dưới  trăng…Nói hay: Thưởng  rượu; nói dở: Phạt  rượu; Không nói: Cũng  rượu. Tôi  nghe trong gió  Cao  nguyên cũng  có  mùi của  rượu. Các ông bạn  tôi  sau  giai  đoạn  “Rượu uống rượu” đã chuyển sang  giai  đoạn  cuối “Rượu uống  người”. Tay  thi  sĩ  khóc dấm dứt. Tay  phê bình văn học  tủm tỉm cười với  cái  đầu gối của  mình. Còn hai  ông nhà  báo  thì nhìn nhau  thân ái, mặt  mũi  sát  khi  đằng  đằng. Từng  nghe chuyện một ông thần tửu sau  “ba say  chưa chai” cứ thế tồng ngồng ngoài đường. Vợ  lôi  về, quát: “Không  biết xấu hổ à!”. Ông thần này đáp: “Đứa nào nhìn tớ thì nó  xấu hổ, tớ  xấu hổ đếch  gì”. Quanh  bàn rượu  Hà  Giang có  thể viết  được  một luận  thuyết hoặc một  cuốn  như  “Những  người thích  đùa”, với  đầy rẫy những  chuyện  bi  hài. Nhưng  đấy là  chuyện  của  người Kinh, còn người dân tộc  thì sao?

Ta mới hỏi người rằng: “Đây là đâu"

Ngày  trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước  chân vào thì  chếnh  choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù, trông giời như thấp, trông đất  như cao. Mặt  trời mặt  trăng  thì không  có  ánh  sáng. Mắt  ta mờ, tai  ta ù, tâm thần ta u  mê, thân thể ta mệt  nhọc. Ta mới  hỏi người  rằng: “Đây  là  đâu?”. Người đáp: “Đây  là  nơi  vui  say, sẵn  của  ngon bùi, tha hồ ăn  uống, chẳng phải giữ  gìn. Tục  truyền  là  Làng Say. Sách người xưa chép thế, tôi  đọc  và  ngờ rằng sách  viết về  cái  làng  Mèo  Suối  Đồng (Vị Xuyên – Hà  Giang).

Nguyễn  Trọng  Tuyên  dẫn tôi  thẳng vào gặp già  bản chứ không phải vào UBND (Lệ  làng là  thế). Sau  khi  làm ba bát  rượu  gọi  là  lễ  chào hỏi (cũng vẫn lệ làng), mắt  tôi  đã  trông thấy  bốn hay  tám ông già làng ngồi trước  mặt  mình. Mâm dọn lên. Thịt  mỡ to  bằng bàn tay, dày cỡ bao  diêm, và  tất nhiên, không  thể thiếu rượu. Người  dân tộc  thẳng thắn  và  bộc  trực. Đã uống  là  phải uống bằng bát. Đã nâng là phải cạn. Bây  giờ mới  đến phần  công việc. Các  chức  sắc  làng  xã  vừa gắp, rót, nhai, uống vừa phàn nàn. Thú thực, lúc này tôi  đã  để rơi  công  việc xuống  dưới  đáy  bát, tai  nghe láng máng. Đại khái là: “Đồng bào khổ lắm. Đá nhiều  lắm. Đói lắm. Lúa không sống nổi. Gà lợn không biết đẻ. Ngô  thì hay  bị (hình như là  khỉ) ăn mất. Khổ lắm. Trẻ em  làng Mèo học  trong một  mái  lán (đồng  bào vẫn gọi  là  trường). Cô  giáo  từ Vị Xuyên lội  suối, băng  rừng vào dạy  buổi đực buổi cái. Hỏi: “Sao  lại thế?”. Đáp: “Lương  được trả  bằng rượu với thịt  lợn, chỉ  tổ béo  ông chồng. Chán  lắm. Chả thiết”. Trẻ con dân tộc  rất  vô  tư. Có  đến  năm bảy đứa “khỏa  thân” đến  lớp.

Cái  nguyên nhân  của  sự  nghèo khổ  ở đâu? Có  phải vì  rượu? Có  thể do  nhà báo  quá  vô  tư hoặc  quá vô  tâm. Nhưng  cũng  dễ  hiểu, bởi lẽ, riêng tôi, 8 giờ đồng  hồ ở Suối  Đồng đã mất  đến  3 tiếng  uống rượu, ba tiếng say  rượu (thế  thì đồng bào mới  vỗ  tay  khen: thằng  người  kinh tốt  bụng thực  lòng). Hai  giờ “hoạt  động nghiệp  vụ” tôi  chỉ đủ sức  đi  thăm  một gia  đình và  bốn lò nấu  rượu. Rượu ở đây  thì vô  biên cương. Rượu ngô  có, rượu  sắn có, rượu  gạo  có. Men lá có. Men gạo  có. Men Tàu  cũng  có. Chàng Hơ – Mông chỏ lò cười  hềnh hệch: “Uống đi,  rượu  tao  nhiều lắm, ngon lắm. Tửu  phùng tri  kỷ thiên bôi  thiểu mà”. Tôi nhìn lại  mình. Hai  ngày  ở Hà  Giang, thành bợm  đến  nơi  rồi. “Ngưu  tầm ngưu…” Thảo nào tay  Hơ – Mông này nhận  tôi  làm tri  kỷ, muốn  đãi  đủ ngàn  chén cho  xứng  với danh  hiệu  dân say  ở Làng Say. Hỏi: Một ngày nấu  được  mấy lít? Đáp: Hai  chục. “Cả làng có bao  nhiêu  người?”. “Gần  trăm”. “Có bao  nhiêu  lò nấu?” .”Bảy lò”. “Đem bán xa không?”. “Từ đây  lên nhà  Sùng” (Nhà già  làng). Lạy  chúa  tôi. Có  lẽ  một tay  bợm  người  Germany uống bia một năm  cũng  chỉ bằng  thằng trẻ  con  Suối Đồng uống  rượu  một tháng. Các  nhà làm sách  Guiness hẳn đã  không biết  đến một  Làng  Say.

Không, tôi  không còn gặp  hình ảnh  của  những chàng trai  Mông thổi khèn, múa  dẻo, làm nương  giỏi, không gặp  hình ảnh  của  những  thiếu nữ Mông xoà  ô che nắng, tay  nắm  đuôi  ngựa, che chở và  yêu  thương  những  ông chồng thần tửu. Hình ảnh ấy  đẹp  quá  nhưng  chỉ có  trên phim thôi.

Hà Giang  là  tỉnh nghèo, nghèo lắm. Chỉ toàn là  đá.

Quê  hương  tôi  tự  nó  đã  cao  rồi

 Gần mặt  trời mà  thiếu nắng  quanh  năm

Và  gió  nữa quanh  năm  gào thét

Đá  thì lởm chởm nhọn sắc

Một vùng mênh  mông  xám lạnh  rợn  người

Cao  Xuân  Thái, một thi  sĩ  của  Cao  Nguyên  đã  viết như thế. Ông  sinh  ra từ đá  và  rượu. Tôi  đã  từng chứng  kiến cảnh những  bà  mẹ  gìa, những em  bé phải gùi đất  lên cao, xếp vào từng hốc  đá  cho  hạt  ngô  có  chỗ  nảy mầm. Gùi  đất  đè  nặng  xuống  đôi  vai già nua. Đá nhọn sắc  cào rách những  bàn chân  trần thơ bé. Hạt  ngô, cây  lúa sinh  ra nhọc  nhằn  trên đá, trên mồ hôi  của  biết bao thế hệ  con người sinh ra và  chết đi trong cùng cực  lầm than. Trên  tay  tôi  hạt  gạo  mang dáng  giọt  mồ hôi, hạt  ngô  đỏ bầm  màu máu. Tôi sinh  thời  đã mang trong mình ít máu  Lưu –  Nguyễn, tuy  chưa  đến mức là  đệ tử Lưu  Linh nhưng  cũng  có lúc  dám tự hào mà  đỏ mặt  với  đời. Vậy mà  đến  đất  say, tự thấy  mình chưa xứng  được liệt vào hàng bưng  bê  sách tráp. Sống gần tuần mà như chưa biết đến Hà Giang. Thôi  thì đành viết  về  cái  say có  vị  đắng  của  cuộc  đời và  sự  vô  tâm của  người  đời.

Chỉ cách nhà Dục Anh non cây số là nghĩa trang riêng. Từ 150 năm nay, không đếm được đã có bao nhiêu linh hồn về nước chúa. Nghĩa trang giờ đã dày đặc linh hồn. Mỗi khi táng xuống đất một linh hồn mới, các sơ phải lấy cây sắt xăm xem có dính phải cốt của các cháu đã nằm trước rồi hay không. Vậy mà lần nào cũng dính.

Sơ Telexa Nguyễn Thị Lụa 23 tuổi, người xứ Phát Diệm, đã nguyện cả đời đi theo đức tin chúa Jesu từ 6 năm nay. Ở nhà Dục anh Thánh An xứ Bùi Chu này, Sơ Lụa lãnh nhiệm vụ có thể coi là nặng nề nhất: Chăm sóc những sinh linh bại liệt, toàn thân bất toại. Khuôn mặt Sơ cực hiền lành, ánh mắt cực ấm ám, và nụ cười cực đôn hậu. Dường như là có duyên tiền định khi người xứ giáo Phát Diệm Nguyễn Thị Lụa một hôm sang thăm nhà Dục anh Thánh An- Bùi Chu này phát dạ cảm thương những đứa trẻ tật nguyền không gia đình. Cô gái chưa chồng con, chưa một lần hưởng cái tình nam nữ ở đời phát thệ, tình nguyện ở lại nhà Dục Anh, trở thành một tu sĩ thuộc dòng tu kín Mân Côi nguyện dâng cả đời cho Chúa, khi thì hóa thân trong vai người mẹ chăm sóc những đứa trẻ không hề biết quê hương, bản quán, khi trở thành người cha nắn từng nét chữ cho trẻ không mẹ không cha.

Người ta không gọi là cô nhi viện mà gọi là nhà Dục Anh. Thiếu tá Lâm, Phó trưởng Công an Huyện Xuân Trường giải thích- Còn Thánh (Saint) An, là lấy theo tên Giám mục An, người đã lập ra nhà Dục anh này từ hàng trăm năm trước. Tình hình tôn giáo ở Xuân Trường, thiếu tá Lâm thuộc như lòng bàn tay. “Ở đó toàn là trẻ mồ côi bị bỏ rơi?” Tôi hỏi. “Không hẳn thế. Còn nhiều hoàn cảnh, nhiều thân phận khác. Các anh xuống sẽ biết”- Lâm nói. Nhà Dục anh Thánh An không có dáng dấp một nhà tu, tôi nghĩ thế, lại càng không có dáng dấp một nhà trẻ. Nom có vẻ giống như một trạng trại thôn giã của một gia đình tập thể. Điều làm người ta nhận ra đây là một nhà Dục Anh chỉ là cây Thập tự giá cao phía trên dốc cây hoa đại cổ thụ, nơi, theo Kinh Thánh, Đức chúa gim mình cứu chúng sinh với dòng chữ  la mã INRI (Bản án) định mệnh và tiếng trẻ con trong trẻo lau nhau, chiêm chiếp như tiếng gà con rất đỗi dễ thương. Chiều ấy là buổi bọn trẻ trong nhà Dục Anh đón nhận phần thưởng của Công an tỉnh Nam Định. Không rõ đã có từ bao giờ đã có một “giao kèo”: Cứ cháu nào học lên được lớp 10 là Công an Nam Định sẽ tặng toàn bộ sách vở, giấy bút vào đầu năm học mới. Thật khó có thể tưởng tượng được từ nơi đây những đứa trẻ lớn lên, đi học cùng chúng bạn “ngoài đời”, và sau này có một gia đình riêng, một cuộc sống riêng. Năm nay có 3 cháu lên lớp 10 được Công an thưởng sách, được cha linh mục Phạm Ngọc Oanh thưởng xe đạp mini. Lớn bé lộn xộn, áo quần hoa lá, Bọn trẻ lau nhau hát, lau nhau vỗ tay, lau nhau nhìn ngó và lau nhau cười. Ở đó, toàn những sứt môi, hở hàm ếch. Toàn những tay chân vẹo vọ, nụ cười vẹo vọ, hình hài vẹo vọ của những số phận vẹo vọ. Nhưng ánh mắt thì vẫn là ánh mắt của trẻ con, trong như sương sớm. Tiếng cười vẫn là tiếng cười của trẻ con, không chút lo toan. “Thưa cha! Trong giấy khai sinh của các cháu phần cha mẹ, quê quán ghi thế nào ạ”- Tôi hỏi khẽ khàng hỏi. Cha Oanh, nom như một ông già trí thức đôn hậu với mái tóc bạc trắng trả lời, giọng  ấm áp: “Tôi đây. Phạm Ngọc Oanh. Đứng tên cha. Còn quê quán ư. Đó là điều làm chúng tôi đau lòng. Các cháu ở đây cứ hỏi đến quê là chúng nó khóc”. Chẳng đứa nào có một cái tên quê. Chẳng đứa nào có một cái tên riêng khi vào nhà Dục anh này. Ngay dưới gốc Fatina cổng tòa giám mục Bùi Chu sớm trước bỗng vang lên tiếng trẻ con khóc. Một đứa bé gái tóc đen như mun, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu với hình hài một thiên thần ngồi khóc ở đó. Sơ Telexa Tươi (hay một sơ nào đó) đã ra đón. Hóa ra đứa bé bị liệt toàn thân. Không nói được. Nó bị bỏ rơi dưới gốc Fatina, nơi nghỉ ngơi của các thiên thần. Cháu chưa được đặt tên. Bây giờ, đứa không tên ấy ở chung trong phòng “bại liệt”. Một gian phòng nhỏ sạch sẽ có mấy đứa trẻ nằm sắp hàng. Bạn của nó là cháu Thơm- 5 năm, Đại -10 năm, Thư- 3 năm, và Ngọc- 5 năm. Ở nhà Dục anh Thánh An, các sinh linh được tính theo năm đến vì không biết tuổi thật. Cả 5 đứa đều bị bại liệt, bị úng thủy. Có hai cháu sống đời thực vật, không nói cười, không cử động. “Cháu đó có lẽ sẽ mất vào tháng tới cháu yếu lắm rồi”, Sơ Tươi hướng ánh mắt về phía “Không Tên” nói. Giọng nói của Sơ, thật kỳ lạ, vô cùng thanh thản. “Không Tên” chưa phải là trường hợp đáng thương nhất bởi còn có những sinh linh được đưa đến, nói đúng hơn là bị bỏ rơi khi chưa đầy một ngày tuổi. Telexa Lụa sẽ sàng đưa bàn tay nhỏ mềm như chiếc lá cây đại ngoài sân xếp lại nếp áo cho từng đứa. Bàn tay ấy dịu dàng đỡ cho những sinh linh tật nguyền trở mình. Bàn tay ấy khe khẽ xoa lưng cho những đau đớn dịu dần trong giấc ngũ. Và bàn tay ấy cũng đã từng vuốt vuốt lên những cặp mắt không bao giờ mở nữa. Bàn tay của Sơ Lụa là bàn tay đầu tiên đón những đứa bé bệnh nặng bị bỏ rơi và cũng là bàn tay cuối cùng đứa chúng về nước chúa. “Cha mẹ chúng thật đáng trách. Họ có bao giờ về đây thăm lại đứa con đã bị bở rơi không? Thưa Sơ?” Sơ hỏi lại tôi: Nếu “người” thì “người” sẽ làm như thế nào? Ánh mắt đôn hậu như có ở đó một nụ cười. Tôi đã mất ngủ vì ánh mắt và nụ cười diệu vợi ấy. Dường như từ lâu lắm, tôi chưa bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh những người mà mình đã lên án. Chưa thấy hết được nỗi khổ tâm, những góc khuất của cuộc đời thực sự bằng lòng vị tha, không trách cứ, và sự cảm thông. Rất nhiều, rất nhiều những sinh linh khi sinh ra đã phải chịu sự đày đọa, sự bất công của số phận khi mắc bệnh nặng, hoặc bại liệt, hoặc thần kinh. Ở nhà Dục anh Thánh An thậm chí còn có một phòng riêng dành cho những đứa trẻ bị bệnh thần kinh. 3 trong số đó là những nạn nhân của chất độc màu da cam. “Cha chúng là bộ đội từng chiến đấu ở chiến trường B. Nhà có 3 đứa con trái thì cả 3 đứa đều nhiễm chất độc màu da cam. Nhà quá nghèo, người cha đến đây xin gửi con trong nước mắt”- Tôi được giải thích. Đó cũng là trường hợp duy nhất những đứa trẻ có mẹ, có cha, có số phận, hoàn cảnh, có quê hương bản quán và có cha mẹ đến thăm. Còn lại là bệnh trọng. Đấy là những sinh linh mắc bệnh không thể khỏi. Cơ thể không phát triển được. Mắt không nhìn được. Miệng không nói được. Và đã ngã bệnh là không đứng lên được nữa. Tôi thấm rắng có những số phận vừa mới sinh ra đã rơi vào đường khổ ải. Thì chẳng lẽ vừa mới sinh ra đã bị  bỏ rơi, mang danh “không tên” mà còn là sung sướng hay may mắn được ư. Và rất nhiều, rất nhiều trong số chúng đã về bên nước chúa khi chưa kịp lớn lên thành người. Chỉ cách nhà Dục anh non cây số là nghĩa trang riêng. Từ 150 năm nay, không đếm được đã có bao nhiêu linh hồn về nước chúa. Nghĩa trang giờ đã dày đặc linh hồn. Mỗi khi táng xuống đất một linh hồn mới, các sơ phải lấy cây sắt xăm xem có dính phải cốt của các cháu đã nằm trước rồi hay không. Vậy mà lần nào cũng dính.

Trên bức tường chính nhà làm việc của cha Oanh có treo một bức ảnh cha Oanh chụp chung với Đức giáo hoàng Joan Paul II khi ông đến thăm Vatican . “Ngài đã chúc lành cho công việc của chúng tôi”. Cha Oanh cũng như các sơ luôn tin rằng mọi việc đã được đấng bề trên đã an bài, nhưng chính họ, để nuôi sống mình và hơn 60 cháu bé mồ côi, đã phải tự nỗ lực lao động cật lực. Nhà Dục anh có 3 mẫu ruộng, có trại chăn nuôi lợn, có xưởng dệt chiếu, nhưng chừng đó dường như vẫn chưa nuôi nổi đủ 100 miệng ăn. Cha Oanh: Nhà làm được 27 tấn thóc, thế mà vừa rồi vẫn phải đong thêm 20 tấn nữa. Thiếu thốn, giật gấu vá vai.

Cha Oanh, thụ phong linh mục năm 1963, và đã 41 năm làm linh mục,  nhớ tên từng đứa một trong hơn 60 đứa con của ông. Và, ông luôn gọi cô nhi viện là “Nhà của chúng tôi”. Ông đi khai sinh, đi xin học cho từng đứa một, lại đưa các con lên tận Hà Nội để vá hàm ếch. Lo tất, những cái đó chỉ mệt mỏi phần xác thịt thôi. Nhưng có lẽ điều làm cha bối rối là khi những đứa con của ông dần dần lớn lên, biết phân biệt, biết so sánh mình với những đứa trẻ khác. Đứa nào cũng hỏi ông một câu hỏi vì sao: “Bố ơi, Vì sao con ở đây”! Cha Oanh dừng lại, không nói tiếp nữa. Không thể có một câu trả lời chung cho tất cả những đứa con của mình. Đã có một bài thơ mang tên “Vì sao?!” được làm từ chính nhà Dục anh này. Có câu: “Vì sao ta lại nhìn cuộc đời/ Vì cuộc đời nhiều ưu tư quá”. Cha Oanh nhanh chóng chuyển sang chuyện khác. Vừa hôm rồi, có hai cháu đã được nhận tiền lương từ nhà máy may Phú Nhai. 250 ngàn đồng. Đó là đồng tiền đầu tiên những chúng kiếm được. Chúng đưa về đưa cho bố Oanh để bố nói rõ cho cả nhà cùng biết. Chỉ mong những đứa bé lớn hơn để có thể tự trả lời câu hỏi mà tự chúng cũng không muốn được trả lời. Câu hỏi mà cha Oanh của chúng khó có thể trả lời thay.

Ở nhà Dục Anh Thánh An- Bùi Chu này đời ở trong đạo và đạo hiển hiện trên số phận mỗi con người. Có những thân phận éo le nhưng không có tiếng thở dài, không có lời oán thán. Thiếu tá Lâm kín tiếng trong suốt quãng thời gian lẳng lặng dẫn chúng tôi đi thăm nhà Dục anh, khác hẳn với phong thái của anh khi nói chuyện công việc. Khi lên xe ra về chúng tôi mới biết anh đã từng đi chiến trường và cũng có 3 đứa con nhiễm chất độc màu da cam. Hai trái, một gái và chúng nằm đau đớn như những cục thịt vẹo vọ. Nhưng thiếu tá Lâm đã không để con miình phải chịu thêm một sự bất hạnh nữa như những đứa trẻ nhà ở Dục anh này. Nỗi bất hạnh không có quê hương bản quán. Luôn tự hỏi câu hỏi “Tại sao”.

Kẻ cắp làng Phù Ninh

Buổi sáng tháng 5, thậm chí khi sương đêm còn chưa kịp tan thì ánh sáng ban ngày đ• ùa tới. Thôn phù Ninh bàng bạc một màu đất vàng vàng, đỏ đỏ, phơi mình ra dưới thứ ánh sáng không thật của buổi ban mai ấy nom kệch kỡm như một “kẻ son phấn” lúc hết đêm. Trong nhà Nứa, chị vợ đang đau đẻ. Trời ơi, đau đẻ như thế này thì Nứa sợ quá. 3h sáng, Nứa thức giấc khi thấy vợ gậm nhón chân cái. Chị chàng dùng cả hai bàn tay giữ chặt bàn chân Nứa, cái miệng cạp vô hồi kỳ trận. Nứa không hiểu ra sao cả. Bây giờ lại còn có chuyện ngén ngón chân nữa thì lạ thật. Phía thân dưới, bụng vợ chửa vồng đương không ngừng cuộn lên, cuộn lên như có trong bụng có con trăn khổng lồ đang thoát xác. Hồ hôi to và đỏ như những hạt ngô treo lúc lắc trên khuôn mặt tái xanh tái tử, tóc bết vào nhau rối như ổ chó. Nứa hoảng hồn cất tiếng gọi bà đỡ đương ngủ ở nhà ngoài. Anh vụng về ôm vợ, đưa bàn tay thô nhám to như lưỡi xẻng vuốt vuốt má vợ. “Thế đấy, đẻ con trai nên chắc nó mới đạp giữ đến thế”. Bà đỡ rề rà kéo lê tấm thân mỡ, kèm rèm một đôi mắt mũi bảo Nứa: Đi đun nước đi. Giọng quá mẹ chồng. Ơ hờ như thể đang chuẩn bị mổ con gà chứ không phải đỡ đẻ cho con trai quý tử của anh nữa. Nứa mệt quá rồi. Từ tối qua, anh đ• 4 lần bị gặm ngón chân, 4 lần đi đun nước, ấy thế mà chị vợ vẫn không chịu đẻ. Vợ Nứa đ• 3 lần sinh hạ, một lần sinh ngay bên bờ ruộng, một lần sinh ngay bên đường quảy quang gánh đi chợ, lần nữa thì sinh vào lúc ông Tân chủ tịch đương cười ha ha chuẩn bị phát biểu cuộc họp phụ nữ x• về kế hoạch hoá gia đình, lần nào cũng đẻ ọt một cái như vịt đẻ trứng rơi, thảy đều một lũ vịt giời. Nứa cảm thấy không có cái nhục nào nhục hơn phải suốt ngày ngồi “mâm ông ngoại”. Anh vốn là dân ngụ cư, đ• chịu nhục quen rồi, nhưng mà đến những lúc đi ăn cỗ, người ta xếp riêng cho mình một mâm “ông ngoại” thì nhục thật quá chui xuống lỗ. Mà ngồi mâm “ông ngoại” thì là ngồi với ai. Thằng Giản Lợn, một thằng bảy phần lợn, hai phần người, cái thằng đàn ông mà không biết uống rượu. Ai nữa, l•o Tứ Bảng, le te như con gà di, lơ thơ mấy sợi dâu dê. Mà là loại dê ái nam ái nữ, bọn trẻ con quyết rằng chim chỉ to bằng con giun đất, l•o đàn ông suốt ngày say. Gái cũng say, rượu cũng say, đến thấy con gà mổ thóc cũng ngắm say ngắm xưa. Đến một hôm, bỗng dưng cả thằng Giản Lợn, cả l•o Tứ Bảng đều không hẹn mà cùng ốm, đi ăn cỗ chỉ còn mỗi Nứa thuộc diện “ông ngoại”, thế là chủ nhà xếp Nứa vào ngồi chung mâm với mấy thằng chim còn chưa mọc lông. Đấy, lệ làng nó như thế. Thật nhục không biết leo lên cái cây nào mà làm sâu, chui trong quả, lấp trong đám lá cho đỡ nhục. Đ• có lúc Nứa quyết không đi cỗ bàn, họp tiệc gì nữa, nhưng vợ anh quyết bắt anh đi. “Mình là dân ngụ cư, mỏng như quả trứng, phải sống lẫn với đá cuội thì mới sống được”. Nứa lại lơ mơ ngủ. Anh toàn mơ thấy vợ đẻ ra khoai. Hình như anh đói quá. Cữ rượu hồi chiều đ•i l•o M•nh Còm trưởng thôn khiến trong nhà không còn lấy một hạt gạo. Đến con gà nhép định dành tiềm thuốc bắc cho vợ cũng phải đem cứa cổ. Nứa nhịn miệng đ•i khách nhưng cái tay trưởng thôn, tiếng là đi thăm người sắp đẻ cấm có quà một quả chuối, đ• thế lại vác theo mấy thằng dân quân. Con gà chúng nó nhắm không chừa một cái xương… Bà đỡ lại lay vai anh: Dậy đi, đi kiếm mấy tấm t• lót. Nứa lại ngồi hồm hỗm. “Thì còn mỗi cái áo “tếch cô” để dành từ hồi đi lính về đ• đem cắt ra rồi đấy thôi. Chẳng còn đồng đếch nào”. Gầm giường loe ngoe mấy củ khoai mấu, dăm quả trứng để dành cho người đẻ.

5h sáng, tiếng kẻng hai tiếng một keng keng, sắc nhọn như lưỡi dao cau làm Nứa giật nảy mỉnh. Cả những con trâu cái của thôn Phù Ninh cũng giật nảy mình. “Keng keng”, “keng keng”. Kẻng liên hồi. Mặt trời còn chưa lên. Khói sáng còn chưa lên. Trâu bỗng rống ồ ồ, chó bỗng sủa gâu gâu nhặng xị. Tiếng giường sập, bát vỡ. Tiếng trẻ con kêu thét. Tiếng mở then cửa luỵch quỵch. Tiếng người gọi nhau í ới. Ngữ kẻng ấy làm cho Nứa chạy muốn đứt chun quần ra đình làng. Vợ đương đau đớn lăn lộn như một con mèo. Nhưng việc của đá cuội là quan trọng. Đình làng đ• đông ngẹt những người. Có cả Giản Lợn, một thằng cha nổi tiếng hay ngủ, và cứ hễ ngủ là y như rằng đ• bị Nam Tào Bắc Đẩu triệu lên giời, cấm có ai gọi dậy được bao giờ. Có cả ông Tứ Bảng, l•o già chuyên ngủ nhờ gái goá, quần còn chưa kịp thắt dải. Thảy các khuôn mặt đều ngơ ngác. Bậc thềm giữa sân đình được trải chiếu hoa, thắp lư huơng. Các hương thân khăn đóng áo the đương ngồi thong thả xỉa răng. Các chức sắc trong thôn hoặc là ngồi nhổ râu, hoặc là ngồi véo lông nách, mặt đỏ, mặt đen hững hờ nhìn đám thảo dân bên dưới. Ông M•nh còm, trưởng thôn, người trông hắt hiu, bèo nhèo như cọng rau muống luộc giở đương thản nhiên ngếch mặt chuột nhả khói từ chiếc điếu bát in men rồng. Ông Tứ béo, anh ninh x•, mặt sùi chi chít những nốt cơm đỏ, lăm lăm khẩu CKC trong tay, mặt đỏ nhừ, miệng không ngừng quát tháo trẻ con đứng vào hàng. Bảo vệ x• mặc đồng phục quần áo xanh, mũ cối Tàu dởm, chóp mũ bọc giấy bạc bao thuốc vàng choé, người nào người đó đứng im thít, tay thủ dùi cui tre đực, có người còn khoác vai cuộn thừng, trông như cướp biển trên phim. Người đ• đông nhưng Thuốc, một tay mõ làng cho Trưởng thôn vẫn không ngừng vung cánh tay nẫn mỡ giáng choang choang vào chiếc kẻng bom bi. Thôi, thế là lại có chuyện rồi, Nứa rủ thầm. Cứ nhìn đám bảo vệ thì biết hôm nay sẽ có người bị bắt. Nứa quay sang Tứ Bảng. L•o đương buộc lại chun quần. Nứa quay sang Giản Lợn, tay này vừa ngủ gật vừa giật mình thon thót. Thế là chẳng biết hỏi ai, chẳng biết xảy chuyện gì.

Ông M•nh còm từ từ đứng dậy. L•o cố vươn cổ cò cho thân mảnh như cọng vó cất tép to ra, lấy oai. M•nh còm cười lên ha ha ha ha. Tiếng cười được rặn ra như đánh rắm. Bao giờ cũng thế. Một đận Nứa thắc mắc về cái tiếng cười như trâu nái ngáy ngủ này thì được l•o Tứ Bảng giải thích rằng đó là M•nh còm học mót của ông Tân, Chủ tịch x•. Ông Tân trước khi đăng đàn phát biểu, hoặc huấn thị, hoặc phê phán đều cười lên ha hả. Bà Toả, Bí thư đảng uỷ cũng vậy. Mà thực ra, hai người này cũng là bắt chước của ông chủ tịch huyện. Còn ông chủ tịch huyện có bắt chước ai không thì l•o Tứ không nói, bởi chưng, như l•o nói “ếch ngồi đáy giếng không dám phán trời bằng cái vung”. Làm quan khác dân ở chỗ là có thể cười lên ha hả mà đố thằng nào dám bắt lỗi mất dạy. Giảng giải cho Nứa, đoạn, l•o Tứ cười lên ha hả, nhưng mà Nứa thấy đúng. Tầng thảo dân như Nứa với l•o Tứ, hay thằng Giản thì có đeo loa, mặc đại cán, ôm cặp da mà cười thì vẫn tịt tịt như là đánh rắm sịt. Chẳng thấy sảng khoái chút nào.

“Thôn Phù Ninh vừa xảy ra một vụ án nghiêm trọng”. Tiếng l•o M•nh. Cả làng nín thở. Xem cái khẩu khí này thì đ• xảy ra chuyện đâm cướp giết hiếp như chơi chứ đừng có đùa. L•o M•nh dừng lại sau câu tuyên bố như tiếng chó sủa. “Đấy là điệu ngắt nhịp uống trà, lào Tứ kề tai Nứa thì thào, quan chức họ không nói kiểu cuốc đất, bổ củi như anh em mình, mà phải có ngơi, có nghỉ cho câu chữ nó ngấm”. “Kẻ gian đương đêm mặc áo quần ninda, che mặt lẻn vào nhà chủ tịch Tân lấy đi một lượng tài sản đủ để sắm một trăm con trâu cái. Bảo vệ phát hiện chỗ tường giáp bờ ao bị cạy mảnh thuỷ tinh bảo vệ, cửa bị cạy khoá bằng dao phay. Tại hiện trường phát hiện thấy…”. L•o tứ lại ghé tai Nứa: Đấy, đoạn này là ngôn ngữ báo công an, sắp đến đoạn hô hào quần chúng nhân dân rồi đấy. Đám người ồ lên. Chủ tịch hoá ra giàu thế. Giản lợn oang oang cái miệng: Hôm nọ tớ còn thấy ông chủ tịch đánh cầu lông, mông đít toạc một miếng to, lấy chỉ đen khâu lại..thế hoá ra không phải là quần của ông ấy. Một giọng phụ nữ: “Trời ơi, kẻ trộm chắc phải gan to như cái nong. Khiếp thật, khiếp thật”. Đoạn lại quay sang bên: Này đêm đêm toàn thấy vợ ông Tân ra vườn. Hôm nọ tớ buồn đi đêm thấy sáng đèn mới hỏi. Bà ấy lúng túng lắm, ra bây giờ mới biết là đi chôn của. Nứa thì Nứa biết thừa ông chủ tịch giàu ụt tị trong buồng, giàu láng coóng dưới bếp, giàu nứt nẻ sàn nhà. Thực ra trước đây Nứa không biết nhưng một hôm vợ về thì thào rằng ông chủ tịch giàu cơ man nào là giàu. Hỏi nó nó bảo ông Tân mượn sang dọn chuồng lợn có mỗi buổi mà cho cả trăm ngàn. Hai vợ chồng lào khào giở tiền ra xem. “Cụ rất đẹp trai. Râu dài”. Mà chao ôi sao cái tiếng sột soạt của đồng tiền lớn nghe thích tai đến thế. Nhà Nứa chưa bao giờ có đến chừng ấy tiền. Với đồng tiền ấy, vợ Nứa đi đong cả hai yến gạo, mua cho mỗi đứa vịt một cái áo mới, vẫn còn tiền mua cho Nứa một chai rượu, nhắm thịt lợn luộc, đậu phụ rau kinh giới, vẫn còn tiền cất kỹ trong hòm để dành. Hôm đó, say sưa, Nứa đem công đức của ông Chủ tịch đi khoe khắp làng. Thằng Giản Lợn thì trợn mắt tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nó là chuyên gia lợn mà không được ông Tân thuê bao giờ. Còn l•o Tứ Bảng thì chỉ cười hềnh hệch. L•o bảo: “Tiền thì thích thật đấy. Nhưng cơ bản là vợ… vợ…vợ mày dọn vệ sinh cho con lợn nào! ợ. Hả đồ lợn!”. L•o nói rồi ợ. Nứa đưa cho l•o cốc chè xanh bảo: “Thì lợn trắng nhà ông Chủ tịch chứ không lẽ lợn nhà l•o hay lợn nhà thằng Giản”. Từ độ đó, cả vợ Nứa, cả Nứa, suốt ngày ngóng ông Tân gọi sang dọn vệ sinh cho lợn. Vợ Nứa thích sự may mắn, Nứa cũng vậy.

Cuộc họp của thôn đ• đi vào phần quyết định. Sẽ lập tổ kiểm tra để kiểm tra từng nhà, phát hiện đứa gian. Thôn Phù Ninh, thôn văn hoá không chấp nhận kẻ gian, đứa càn. Để cho dân chủ, l•o M•nh Còm đề nghị dân làng biểu quyết “nghị quyết khám nhà”, có dấu triện hẳn hoi. Nứa thích lắm, anh quay sang Tứ Bảng, quay sang Giản lợn. Giản đ• lên ký vào nghị quyết. Con lợn lai người ấy mong cho cuộc họp xong sớm để về ngủ tiếp, đêm qua, g• đ• cho mấy chục lợn về chầu diêm vương rồi, đương là giờ g• ngủ, thường nói là giờ lên giời báo cáo. Còn l•o M•nh, l•o không cười nữa, l•o bảo

 

 

Dân quân vây khắp làng, tập chung lại ở nhà Nứa và nhà thằng Giản Lợn. Nhà thằng Giản Lợn bị khám đầu tiên. Con lợn ấy đ• kịp ngủ. Nó ngáy, bọt mép sùi ra như nước d•i lợn. Bây giờ Nứa mới thấy bụng thằng Giản. Nó to, nó tròn, chỉ có một thớt thôi nhưng đó là thớt đại, nung núc những mỡ, xồm xoàm lông trắng lông nâu. L•o M•nh còn cười lên ha ha rồi thúc dân quân lôi tai thằng Giản. Giản lợn thức dậy. Ngơ ngác. Sợ h•i. Rồi nó cáu: Các ông làm cái quái gì thế. Ngay lập tức thằng Giản bị chạc ba ghim cổ xuống đất. Tứ Béo, anh ninh x• dí tờ nghị quyết có chữ ký của Giản vào sát mặt nó: “Mày đ• ký tự nguyện cho chúng ông khám nhà rồi. Nhớ con nhé”. Mồm Giản lợn đầy đất, nó bảo: “Tôi ký cho các ông khám nhà kẻ trộm chứ có phải khám nhà tôi đâu”. Trong một sức mạnh như có thể bóp chết lợn tạ, thằng Giản hất tung chiếc đinh ba, nhổm dậy, tay nó đ• vớ được con dao chọc tiết lợn sáng loáng. Dân quân ùa vào. Tiếng l•o M•nh: Ghô cổ nó lại, lôi ra đình, tội đâu ông chịu, quân kẻ cắp, đồ giặc cỏ”. Súng CKC của Tứ béo đ• thọc vào giữa mồm thằng Giản. Nó bị trói ghô bốn chân như con chó, hai dân quân luồn đòn gánh khiêng ra đình. Miệng thằng Giản khạc ra được đến hai cái răng với một mồm máu. Ôi trời, thằng Giản thì trộm cắp cái nỗi gì. Nứa không lạ Giản. Hai thằng bằng tuổi, chơi với nhau từ thủa còn cởi chuồng. Lớn một chút thì cùng nhau vào chùa ăn cắp oản, lớn một chút nữa thì mò mẫm ra sông rình cô giáo tắm. Nói là hai thằng cùng đi ăn trộm oản, thực ra Nứa lừa nó, bảo nó ngồi ngoài để mình vào xin oản sư cô. Sư cô mỏng mày hay hạt, ăn uống thỏ thẻ, một bữa ăn có nửa quả lựu, thế thì cơ sự gì mà không cho bọn trẻ trâu đói khát. Đến khi trộm được cả chuối cả xôi, cả oản rồi, đưa thằng Giản ăn vào miệng rồi, nói là của ăn cắp mà nó còn sợ đến oẹ ra cả giun. Còn chuyện đi rình cô giáo tắm, đầu têu cũng là Nứa, đứa nhìn trộm cũng là Nứa, đứa ăn trộm quần áo của cô giáo cũng là Nứa. Nứa còn nhớ như in thằng Giản lợn, to béo và trì độn đứng run như con gà bị cắt cổ, mắt nhắm tịt. Nó sợ tất thảy mọi thứ. Sau đận đi ăn cắp oản, nó hái táo trong vườn các cụ ba tuần liền đem cúng phật. “Lạy Phật, lạy Sư, con ăn oản, ăn xôi mà không biết là của nhà chùa. Cho con xin lỗi, lần sau con hứa không dám tái phạm nữa. Nếu không thì con xin chịu mọi hình thức kỷ luật”. Sau đợt đi rình cô giáo tắm, thằng Giản bỏ học luôn. Từ đận đó, hễ cứ nhìn thấy cái dáng cao cao, thon thon, trăng trắng của cô giáo ở đâu là nó co giò chạy biến. Chỉ có lợn là nó không sợ. Cái con lợn ấy tin rằng như thế là nó hoá kiếp cho bọn lợn, loài khổ nhất thế gian, sinh ra cho người ta thọc dao vào cổ mà chỉ biết kêu. Trời thì cao. Kêu to đấy nhưng chỉ lên đến đám mây xám đầu núi là cùng. L•o Tứ Bảng có lần an ủi thằng Giản: “Trời nó cũng ăn hối lộ, cũng tham nhũng, cũng cường quyền, và cũng quan liêu như quan chức dưới trần. Đ• gọi là Trời mà lại, Thế nên bọn lợn nó có kêu lên đến giời, nó có kiện mày về tội “giết lợn” thì nó cũng quan liêu, nó đếch biết thằng Giản là thằng nào đâu mà sợ”. L•o Tứ Bảng có lần nhìn Giản lợn mà bảo Nứa: “Cố mà phải sống như con lợn này con này. Càng ngu, càng mù, thêm cả điếc nữa thì càng dễ sống”. Lại bảo: “A. Thế vợ mày vẫn đi dọn vệ sinh lợn cho ông Tân đấy chứ!”. Lại than: Cũng may mày với thằng Giản là bạn thân, cùng dòng ủn ỉn”. Nứa đếch hiểu gì cả, chỉ biết là l•o đang chửi mình ngu, nhưng mà khôn như l•o có ra chó gì.

Đời l•o Tứ Bảng cũng chẳng ra chó gì. L•o vốn là giáo làng. Nhớ năm l•o về đây áo sơ mi trắng lốp, kính cận dày có thể chiếu mặt trời đốt bùi nhùi ra lửa. Hồi đó Nứa còn cởi chuồng suốt ngày cưỡi trâu ngoài bờ mương, người cũng như trâu, da đen như nhau. Nhưng ngay từ hồi đó, Nứa đ• cảm thấy là thầy giáo Bảng rất là “dê ngu”. Đó là lối nói tắt của cô con gái rượu ông chủ tịch x•: Dê nhưng lại là con dê ngu. Thầy giáo Bảng về quê, đem ánh sáng văn minh từ tận Hà Nội về xó đồng tối tăm. Thầy chơi với bọn trẻ trâu bằng cách dùng kính cận làm lửa nướng châu chấu, gọi đó là món tôm bay. Cả bọn dùng roi dâu thay kiếm diễn trò “Ta là Đinh Bộ Lĩnh” quần thảo cả vùng mả gò thành ruộng trũng. Đến khi cả bọn khoái trí quá hỏi rằng: Đinh Bộ Lĩnh là ai?”. Thầy giáo Bảng mới thủng thẳng mà nói: Các em phải đi học mới biết. Đinh Bộ Lĩnh là anh hùng cưỡi ngựa cầm kiếm phất cờ lau dẹp loạn mười hai xứ quân, chứ không phải là cưỡi trâu với roi dâu này đâu. Thật là anh hùng và tài giỏi”. Thế là đám trẻ cắp đít theo thầy đến trường, ngôi trường đầu tiên ở thôn Phù Ninh này. Đến trường đầu tiên là vì muốn nghe chuyện ông Gióng cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân, chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Hay đến nỗi trẻ con thôn Phù Ninh lũ lượt kéo nhau đi học. Nứa và Giản lợn kết tình Lưu Bình- Dương Lễ, một tình bạn Việt theo kiểu Tàu, từ hồi đó. Thầy giáo Bảng, tất nhiên, được đám thôn nữ coi như chàng hoàng tử phong nh• có nụ hôn dịu ngọt như trong chuyện cổ tích, nhất là khi thầy giáo hay đọc ca dao trêu ghẹo rằng: Trúc xinh, trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Cuối cùng, thầy giáo lọt mắt xanh của một “trúc xinh”, cô trúc xinh nhất làng, danh giá nhất làng, đấy là Vần, con ông Chủ tịch. Chuyện này chính tai Nứa nghe thấy: Đó là một buổi tối tháng mười, có trăng, cô Vần, xinh nhất Phù Ninh, danh giá nhất Phù Ninh đến tìm thầy giáo Bảng ở căn chòi sát bờ sông của thầy. Cô bảo: “Thầy lấy tôi đi, tôi sẽ bảo cha tôi xây cho thầy một ngôi trường, cho thầy làm hiệu trưởng, cấp cho thầy một mảnh đất để làm nhà. Tôi biết là thầy xin ngôi trường lâu lắm rồi”.

Cái g• thầy giáo đa tình kia đ• làm một việc đúng và một việc sai. Đúng ở chỗ g• đồng ý với cô Vần, chẳng anh hùng hiệp sĩ nào là không ng• ngựa mỹ nhân, huống chi cô Vần xinh như một con mèo tơ lúc 9h tối, danh giá như một con gà trống choai lúc 5h sáng. Sai là ở chỗ sau khi có ngôi trường, g• không lấy cô Vần nữa. Như thế là g• đ• xúc phạm một tấm chân tình, xúc phạm cái đẹp, xúc phạm danh dự của một người con gái, và nguy hiểm nhất là g• đ• làm bẽ mặt ông Chủ tịch. Mà g• bỏ cô Vần để đi với ai cho cam, lại đi cặp kè với một đứa gái bị chồng bỏ, đ• có một đứa con, lại là con gái. Thằng Giản bảo: “Hay là thầy thích có cả trâu lẫn nghé!?”. Nhưng nói thế là ngu, chỉ có những con lợn mới nghĩ thế. “Hay là thầy yêu, như là thầy vẫn thường nói!?”. Nói như thế cũng không đúng. Chẳng có con gà trống tơ nào mà lại đi chọn một mụ gà mái đ• đẻ sắp hết trứng, đ• rụng lông, để từ chối một con gà tơ mềm xương ngọt nước. Yêu thì cũng phải yêu mái tơ chứ. Mà gà thì làm gì mà có tình yêu. Bấy đến nay, cô Vần đ• thành gái già, không lấy chồng, bỏ rơi mất thân phận trúc xinh, danh giá, con ông chủ tịch để trở thành một bà già suốt ngày thở dài thườn thượt, bà chị ruột của Chủ tịch Tân, l•o Tứ Bảng cũng thành ông già rụng răng, bỏ rơi mất thân phận thầy giáo, trở thành con dê, suốt ngày đi với gái góa, suốt ngày quên không thắt dải rút quần, say sưa từ cánh diều lơ lửng giữa trời cho đến b•i phân trâu bốc khói.

Nứa đang ngóc cổ lên xem thằng Giản thì có người giật áo: “Về ngay, vợ mày đẻ ngược. Còn ở đấy mà đú với đởn”. Nứa sợ quá chạy hùng hục về nhà. Vợ Nứa đang quằn quại như một con rắn. Lúc nó kêu ồ ồ như trâu, lúc thì nó lại rú rít, hộc hộc như lợn. Mồ hôi đóng thành từng cục, lổn nhổn trên giường. Bà mụ lúc thì thào, khi hét lên. Nứa sợ quá, anh trốn vào sau bếp. Thằng Giản nói nhìn đàn bà đẻ dứt khoát là bị lang mặt. Thế thì xấu hổ lắm, không dám đi ăn cỗ làng nữa. Giữa lúc đó thì tràn vào nhà những CKC, đòn gánh, đinh ba, dây thừng, thuốn, móc. Nứa bị đá đít, lôi từ sau bếp ra, anh định phân trần rằng vợ anh đang đẻ con trai, lại là đẻ ngược, nhưng nhìn gương thằng Giản lúc n•y anh lại sợ. Thôi thì kệ.

Cuộc lục soát làm Nứa kinh hoàng. Tóc anh dựng ngược như lông mèo lúc động đực. Răng hàm anh gõ vào nhau lập cập như con chó bị mưa. Không muốn nhưng chân anh run bắn, cọ quậy vào nhau, y như bọn trâu bò. Chỉ thiếu tiếng kêu eng éc thoát ra mồm anh mới không tưởng mình bị đem ra hành quyết. Chiếc ao con con nhà anh kín người, người mò thành hàng, mò dọc ao, lại mò ngang. Một đám nữa vào trong bếp, cậy nền, thuốn nồi nước giải, thuốn từng cục phân trong hố xí. ở trong nhà, bao nhiêu hòm xiểng đều bị cậy tung, cặp đi học của trẻ con cũng bị khám. Đến cái đống t• lót, cóc xê đàn bà cũng bị đem giũ ra. Nứa đứng như bị chôn chân, anh chỉ kịp biết thằng Mõ đ• ăn cắp cái xi líp của con gái lớn, nó hít trên mũi rồi thả vào trong áo, nhưng anh không đủ cam đảm để nhìn nữa. Tư Béo đứng chiếu tướng anh, nhìn thương hại như nhìn con lợn sắp chết. G• nói thủng thẳng: “Nhà anh Nứa liền tường nhà ông Chủ tịch nhỉ”; “Tường nhà ông Chủ tịch thiếu mất ba mảnh thuỷ tinh. Tường lại dính nhựa mít”. Đoạn g• quay phắt người lại thúc múi súng vào mồm anh, đè dí anh vào tường. “Tại sao trong sân nhà anh lại có mảnh thuỷ tinh. Hôm qua ăn mít phải không!”. Hồn phách Nứa bay sạch. Anh nói “dạ vâng, dạ vâng” liền một mạch. Sau sợ quá, anh khóc oà lên. “Van ông, chúng con không dám trộm cắp”. L•o M•nh Còm cũng đi đến, tay ngoe nguẩy chiếc dùi cui: “Tao điều tra ra rồi, anh trai mày ở trên Thôi trước đây đ• ăn cắp ba lô của bộ đội, năm ngoái vừa ăn cắp nửa sào bí ngô ở trên Sôi bị chủ bí bắt trói ra sân đình xẻo mất đôi tai. Chúng bây giỏi thật, khôn hồn thì mang ra đây”.

Có ai đó đến nói vào tai Nứa rằng ông Tư Bảng đ• bị khám nhà rồi. Không thấy gì nhưng x• vẫn cứ bắt ông, ông chống cự, bị Chủ tịch Tân đạp vỡ dái. Nứa nghe, tay bịt dưới quần, đầu óc để cả vào cái bụng của vợ

Cây chuối con vừa trồng cũng bị đ• sới, thuốn sâu đến cả thước. Tứ Béo bắc ghế khoắng lọ lục bình trên bàn thờ, đoạn g• nhấc ảnh các cụ đang được thờ trên bàn thờ, lao xà beng đào tường. Người chết cũng bị nghi là ăn cắp. Nhưng mà không thấy gì. M•nh Còm lẩm bẩm, đoạn g• nhìn xoáy vào mặt chị vợ đang sợ đến quên cả đau nằm nhợt nhạt trên giường. G• vẫy tay. Đám bảo vệ lao vào. “Mày giở bụng con mẹ này lên”. Nứa đờ người. Vợ Nứa đờ người. Một bàn tay đen nhẻm hất bà mụ ra ngoài. Một bàn tay đen nhẻm khác mò vào áo vợ anh. Trật ra một cái bụng đang cuộn như trăn, trật ra một đôi vú trắng nhợt, tức sữa. Chưa đủ, hai bảo vệ nắm cẳng khênh vợ anh sang bên, lục lọi đám giẻ rách đàn bà. Vẫn không thấy gì. M•nh Còm mặt lạnh như băng: “Còn trong quần nó, lột quần nó ra”. Đúng khi ấy thì vợ Nứa rùng mình, trong quần chị đù ra một đống lùng nhùng, một đứa bé trai, nhưng mà nó không khóc, cũng không động cựa. Máu ộc ra như suối. Vợ Nứa lẩn mắt vào trong đám đông, ánh mắt cầu cứu. ánh mắt ấy chầm chậm như đang bị thần chết cầm níu. ánh mắt như con gà cố sống cố chết chạy trốn những cái mỏ của con ác. ánh mắt ấy đi qua Nứa và dừng lại trên khuôn mặt phương phi, điển trai của ông Chủ tịch. Nứa cười lên eng éc, anh nói, giọng ôn tồn: Cả cái làng này thế nào rồi cũng bị lang mặt.

Hà Nội tháng 8/2002

Chuyện Hường, Cô gái nghiện

 

Khi Hường bắt đầu chơi “trò chơi ma túy” cô mới 18 tuổi. Bấy giờ là năm 1996, cô đang học cơ điện K42, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hường nghiện lại ma túy vào năm cô hai mươi tuổi, khi cô vừa thi đỗ vào trường Đại học sư phạm II Xuân Hòa. Bốn năm sau đó, cô đã kịp có thâm niên nghiện 6 năm, bị cưỡng bức đi cai nghiện, suýt đi tù vì chuyện buôn bán ma túy và đã treo cổ tự tử một lần. Tôi gặp cô khi 18 ngày nữa là cô hết “án cai nghiện” để trở về với sợi dây xích sắt mà cha cô làm sẵn dưới gầm giường, và quan trọng hơn, trở về với đám bạn của cô, với phường Thanh Miếu của cô, đám bạn thì đứa nào cũng nghiện, phường Thanh Miếu thì chỗ nào cũng có thể mua ma túy.

“Trò chơi nhạt nhẽo” của Hường

Hường ở phường Thanh Miếu, một “phường ma túy” nổi tiếng nhất TP Việt Trì, nổi tiếng nhất tỉnh Phú Thọ, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì với một trăng non học hành giỏi giang như cô. Hường học ở trường PTTH công nghiệp Việt Trì. Cô học giỏi. Bằng chứng là năm 1996, ngay trong lần thi đại học đầu tiên, cô đỗ vào một trường nổi tiếng “xương xẩu”: Đại học Bách Khoa Hà Nội

Phòng Hường ở nội trú có năm người, cô thân nhất với Nga, một cô gái Hà Nội 19 tuổi, học năm thứ hai, không muốn ở nhà mà thích ở nội trú. Cái sự này Hường cảm thấy bình thường, chỉ bất thường ở chỗ “Chị Nga hay kéo dèm, ở một mình và chơi một trò gì đó rất nhạt nhẽo”. Hôm đó là một ngày nắng, Hường bị cảm nắng và trở về phòng mình. “Người chị” của cô thể hiện lòng tốt bằng cách đốt lửa cho cô hít “thuốc chữa đau đầu”. 4 ngày sau đó Hường như bị ma nàm, nằm bẹp trên giường, đầu óc choáng váng. Đầu cô say, cơ thể cô say. Ăn gì vào nôn ra cái đó, ma túy chưa có chỗ trong cơ thể của cô. Khi mà bò được dậy, “người chị” cho Hường hít tiếp “thuốc chữa đau đầu”. “Không hiểu sao lúc đó em lại chơi tiếp”, lần thứ hai cô không bị nôn nữa, vẫn thấy đó chỉ là một trò chơi nhạt nhẽo. Ngày hôm sau, cô chơi lần thứ ba trong đời. Lần này đã thấy có cảm giác là lạ, nôn nao, lâng lâng. Thôi, trò chơi thú vị thật rồi, ma túy đã có chỗ trong người cô. Trong mười ngày liên tiếp, ngày nào cô cũng chơi. Trò chơi không còn nhạt nhẽo nữa, cô biết thế nào là cảm giác “phê”. Hường chính thức dính vào ma túy.

Khi thiếu thuốc, ngay cả các cô gái cũng ngáp chảy nước mắt dù đó là nơi công cộng. Khi cơ thể thèm thuồng cái hơi thuốc, thể diện là cái gì đó hơi thừa. Hường biết mình đã nghiện ma túy, nhưng mà cô không khóc, cơn thèm thuốc mãnh liệt, dữ dội hơn cơn đói khiến cho đầu óc cô suốt ngày chỉ nghĩ đến ma túy, không còn thời gian mà ăn năn hối hận, chẳng có lúc nào mà suy nghĩ nữa. Cô cũng không căm hận “người chị”, kẻ đưa cô vào đời. Hai chị em suốt ngày quoặp nhau, bạn ma túy còn thân hơi cả bạn trai. Bấy giờ Hường mới chỉ học được đến tháng thứ ba ở Hà Nội, tiền cha mẹ chu cấp cho một tháng chỉ 5 hôm là chui hết vào mũi. Ma túy có sức sui khiến kinh người. Cô bắt đầu biết mượn xe đạp của bạn bè đem cắm.

Hôm đó là một ngày tháng 2, cô đã mượn và cắm đến chiếc xe thứ bảy. Ba chị em nghiện cùng phòng tính rằng cắm một chiếc xe chỉ được có 70 ngàn, mua ma hít thì không đủ. Thế là cả ba chuyển sang chích. Hai hôm đầu nhờ người bán (ở ngõ chợ Khâm Thiên) chích hộ, “đến hôm thứ ba thì gặp ở ngay chỗ chích anh Hùng. Anh này cùng quê với em, cũng học Bách Khoa, ở bên KTX nam”. Thế là từ hôm đó, cả bọn kéo nhau sang phòng anh Hùng chích. “Về sau em mới hiểu rằng chích làm cho người ta nghiện rất nhanh. Đối với người nghiện thì chích “phê” hơn hít hiều, vì ma túy đi thẳng vào máu”. Sau 4 tháng kể từ ngày đầu tiên chơi trò chơi nhạt nhẽo, Hường đã nghiện nặng. Một ngày cô “chơi” hai cữ. Trưa. Và chiều. Thế mà lúc nào cô cũng vẫn cảm thấy “đói”.

Ngày 24 tháng 3 năm 1997, Bọn Hường bị bảo vệ KTX bắt, cô không quên ngày đó vì chỉ đến khi đó cô mới chợt nghĩ đến sự mất mát mà ma túy có thể đem đến. “Đó là hôm bố mẹ em mới gửi tiền ăn. Năm trăm ngàn. Cả bọn đã đói mấy hôm rồi, nên chị Nga, anh Hùng quyết định là sẽ mua 200 ngàn về để xả láng. Rình cho bạn cùng phòng anh Hùng đi tắm, cả bọn đóng cửa lại… Cả bọn “chơi ” phê đếm mức nghe có tiếng người gọi cửa mà không sao đứng lên để mở được. Khi biết bảo vệ ký túc lên, ai cũng cảm thấy sợ, nhưng khi phê, chân tay bủn rủn, không sao đứng dậy được. Anh Hùng bảo em giấu kim tiêm đi. Em nhìn thấy cái kim có chuôi nhựa xanh ngay trước mặt mà mãi mới nhặt được, đem giấu ngay khe giường. Bảo vệ phá cửa vào, nhìn cái là biết ngay bọn này đang phê thuốc. Thế là họ gọi công an, xích tay từng đứa đưa ra phường. Lúc đi qua sân trường, thấy tòan người đang nhìn mình. Lúc vào trong phường bị công an tẩn cho một trận, thế mà đến lúc đó vẫn chưa có đứa nào tỉnh. Ba đứa gái, một thằng trai! Đúng hơn là 4 đứa nghiện, bị nhìn không biết xấu hổ, bị đánh không thấy đau. Phê mà!

Ngày 28/3, trường ra quyết định đuổi học cả 4. Bố Hường từ Việt Trì xuống đón con về thẳng nhà. Ơ đó, đã có một sợi xích đợi cô sẵn.

Hai lần đỗ đại học, một lần nghiện, một lần tái nghiện

Thôi, phải làm lại cuộc đời thôi. Khi bị buộc cẳng ở nhà, Hường nghiến răng tự hứa với mình không biết bao nhiêu lần như vậy. Tự hứa khi những cơn vật thuốc làm cô như con thú, như một ả điên, muốn bứt xích chạy đến với cảm giác mũi kim tiêm đâm dưới da. Hường nghiện ma túy, nghiện luôn cả cái cảm giác đau đau của mũi kim.

Trong mấy tháng giời vật lộn với những cơn thèm thuốc, vật lộn với chính bản thân ấy. Hường vẫn ôn thi, hy vọng làm lại cuộc đời. Cô chuyển từ ôn khối A, sang khối C. Cuối tháng 8/1997, vừa tự cai nghiện bằng xích sắt, vừa ôn thi, và cô đỗ đại học lần thứ hai. Đỗ vào trường Đại học sư phạm II Xuân Hòa. “Một con Tám, hai con Bảy. Tổng cộng 21 điểm, điểm có học bổng loại A”. Thực ra Hường không bao giờ có ý định sẽ trở thành một cô giáo. Một người, lại là một cô gái đã từng có một tiền sử nghiện ngập, lại là nghiện ma túy thì làm sao có thể dậy ai được, nhưng mà phải đi học, họa may thì tri thức có thể giúp cô thắng được chính con nghiện nó vẫn nằm trong người. Dẫu là cai, nhưng dường như trong người cô, ma túy vẫn như một con rắn độc âm thầm chờ thời. Và con rắn ấy nhả nọc hai tuần sau khi cô nhập học, đúng lúc cha cô, một người cha cai nghiện cho con bằng xích sắt, đúng lúc mẹ cô, một người mẹ suốt ngày nhìn cô khóc, hy vọng nước mắt thay thế thuốc cai nghiện, đã bắt đầu tin tưởng con rắn ma túy đã chết trong người cô. Đó là một ngày tồi tệ. Cô gặp Hải, một người có bố làm to, dân nghiện. Nhìn những nốt kim tiêm chưa thôi màu thâm trên tay cô, Hải hỏi: Nghiện hả em. Có gì mà xấu hổ. Con rắn ma túy xui khiến. Cô theo anh ta ra ngay đằng sau căng tin, “chơi một phát”. Hai ngày sau, hai người gặp nhau tại nhà vệ sinh… Ba ngày sau, cô đưa tiền cho Hải đi mua thuốc. Hường tái nghiện. Rất nhanh chóng, cô tăng liều. Những kẻ tái nghiện, khi sử dụng ma túy trở lại bao giờ cũng tăng liều.

Ma túy làm cho người ta đói hơn đói cơm. Đói ma túy, người ta không nhịn được, người ta “phải làm một cái gì đó để có tiền chơi ma túy”. Không còn xe đạp để cắm, cô “vay” mẹ hai triệu tiền bán lợn đợt về thăm nhà, “mượn” tạm sợi dây chuyền, chiếc nhẫn. Cho đến một buổi chiều, mẹ cô rình thấy cô lại cậy tủ, đã nói là ma túy làm cho con gái không còn biết xấu hổ, làm cho bản tính lương thiện thành ra kẻ cắp. Chiều đó Hường bị giữ lại tại nhà. 5 giờ chiều, cô lên cơn vật thuốc. “Thế là thôi, không có học hành gì nữa”.

Lần này bố cô cho đổ hẵn giữa nhà một trụ bê tông. Cô bị bố cô xích bằng những sợi xích to hơn, bị khóa bằng những chiếc khóa chống kìm cộng lực. Cô không cần phải mặc quần áo. Bao tải có khóet lỗ. Nghiện, ở trong nhà thì không cần phải làm đẹp. Cô bị xích kể cả lúc đi ngủ. Đi vệ sinh cũng bị xích, đi tắm cũng xích. Nhưng ngay cả xích sắt, ngay cả khóa chống kìm cộng lực, ngay cả bao tải khoét lỗ vẫn không ngăn Hường trở lại với “trò chơi nhạt nhẽo”. Cô tái nghiện lần thứ ba ngay khi được thả ra để làm một công việc lương thiện là làm công nhân  nhà máy giày.

Em đã chôn anh ấy bằng “trò chơi nhạt nhẽo”

Ma túy không cấm người ta có thể yêu, ma túy cũng không thể làm một chàng trai khi đã yêu ghê sợ người con gái, dẫu biết cô ta nghiện, nhưng ma túy có thể đánh nguời một người đàn ông kém bản lĩnh, có thể biến một người có ý tưỏng tốt thành một tên tội phạm.

Hường bắt đầu yêu khi cô đã chơi ma túy được ba năm rưỡi. Người đàn ông bất hạnh tên Thanh, người Nam Định. Thanh quen Hường khi cô như con ma xó, vạ vật đầu đường xó chợ. “Nó đi chơi cùng với em, tòan giữ hộ tay để em chích. Biết đấy là ma túy, nó bảo:” Em bỏ đi. Cái trò đó nhạt nhẽo, có gì là hay!”. Thanh định bằng mọi cách giúp em bỏ ma túy. Hai đứa yêu nhau thì yêu thật, nhưng suốt ngày cãi nhau. Một tối cãi nhau rất to về chuyện em nghiện. Em bảo:” Mày kệ tao đi, tao có thể bỏ mày nhưng không bỏ “nó” được (ma túy). Tưởng bỏ dễ lắm hả. Mày đưa tay đây tao trích cho một phát, xem nghiện thì có bỏ đưọc không”. Thanh tím mặt đưa tay ra. Con rắn ma túy sui khiến, em nghiến răng cho nó một phát”. Người anh hùng rơm đã bị thiêu cháy bằng những mũi kim. Hai đứa nghiện yêu nhau, lang thang bờ bụi và tất nhiên, bắt đầu biết bán những tép heroin xinh xẻo, bắt đầu biết bớt xén, lấy lãi để chích vào người.

Hôm đó là ngày 10/2/1999. Hường và Thanh rủ nhau về Nam Định. “Đến cách Nam Định 11 km, em đã định pha sẵn thuốc định trích ngay trên xe, nhưng mà xe lắc quá không sao trích được. Đến bến, xe vừa dừng em chạy ngay ra sau đít xe trích, vì lúc đó vật quá rổi. Thanh nó bảo đừng làm ở đây, nhiều công an lắm. Lúc đó trong người lại có mang theo “hàng” (tức heroin). Hai đứa cuống quýt thuê phòng, trông dặt dẹo lắm rổi. Vừa trích xong thì công an đạp cửa xông vào. Gần một chỉ heroin để ngay dưới gối. Thanh nó nhận ngay. Em về nhà, kể lại chuyện, mẹ em bảo: “Thôi con ơi, thế là mày giết con người ta rồi. Người ta nuôi con hai chục tuổi đầu chưa được nhờ vả gì cả..”. Cuối năm ấy, gần vào dịp tết, Thanh bị đưa ra xử, Tòa tuyên án 13 năm. Ngày xử, mẹ Hường cũng có mặt tại tòa, nước mắt rơi ở trong lòng

Tôi gặp Hường tại Trung tâm cai nghiện, chữa trị và dạy nghề Phú thọ. 18 ngày nữa cô sẽ ra trại. Hường nói cô sẽ xin ở lại đây. Bố cô muón thế, cô cũng muốn thế, “chứ ra ngoài rổi thì lại chẳng biết thế nào”. Tái nghiện quá nhiều lần, bố cô không còn tin tưỏng, hy vọng gì ở cô, ông viết đơn cho cô đi cai nghiện. Chính Hường cũng không còn tin ở mình. Cô nói ngay cả bây giờ, mỗi lần nhắc tới ma túy, con rắn trong người cô lại thức dậy, cô lại không hiểu được tại sao mình lại làm như thế. Người cha sẽ gửi con ở lại trại, để đến khi chạy xong thủ tục, ông sẽ dẫn con từ thềm trại ra thẳng sân bay cho nó đi lao động xuất khẩu, sống hẳn ở một xứ khác, xa cái Phường Thanh Miếu nổi tiếng về ma túy, xa lũ bạn nghiện cứ thấy con ông về là lại hú hét làm Hường bị xích chân, bị xích tay, đã bỏ ma túy được đến bảy tám tháng vẫn cứ hộc lên như chó.

Khi tôi gặp, Hường vừa qua cơn sốc khi cô treo cổ tự tử. Cô vẫn đánh móng tay, vẫn kể về người “bạn trại” của mình rằng: Nó tên là Hà, SN 1981 ở Thị xã Phú Thọ, cũng nghiện dắt nghiện dẹo. Đời nó khổ hơn cả em. Chồng cũng nghiện và chết vì bị sốc thuốc. Thôi thì viết rằng khi cô đã biết ghét bỏ chính con người mình, đấy là cô đã ăn năn. Khi cô còn biết làm đẹp cho bản thân, tức là cô vẫn còn yêu cuộc sống này lắm. Mà quay đầu thì là bờ.

Nói thêm về những người bạn của cô. Một lần xuống Hà Nội đưa em trai đi thi đại học, Hường gặp lại Nga, tơi tả, đi cùng với một đám trông như dân bụi. Không cần nói thêm một lời, cô biết Nga ngày càng ngập sâu vào ma túy. Hùng, bạn đồng hương, đồng học, đồng chích, đồng bị đuổi học hiện bị đưa đi cai nghiện tại  trại Thác Bà. Thanh đang thụ án 13 năm tại trại giam Phi Liệt, Hải Phòng về tội tàng trữ các chất ma túy. Hai người vẫn viết thư cho nhau, cô không cho chúng tôi xem thư, nhưng nói âm hưởng chung của những lá thư là nó về tương lai của 12 năm sau, khi Thanh ra trại.

Đào Tuấn

Ngược cổng trời

1-Thoát khỏi những con hủm bức bối tòan là mồ hôi với sương mù, bổng nhiên thấy trời xanh trong veo, thanh thóat những tiếng cười sơn nữ vọng giữa bốn bề toàn là núi. Mường Cờ nắng lanh lảnh, đanh đá, nắng ngọt như mật ong. Len lẩn trong nắng, sương núi lành lạnh. Gió núi phóng khoáng rào rạt. Trời xanh trong veo. Bản ở cao, nơi đỉnh núi nhô lên trên mây gần giáp mặt trời, nơi đây quanh năm có gió và mặt trời. Đám lốc cốc trâu rừng đứng giữa đường phà hơi mũi mù mịt dương cặp mắt to ngơ ngác nhìn khách lạ. Ngựa bản dậm chân lốc cốc, ngửi miệng nhau, không ngừng nhai tóp tép. Anh Bung trưởng ban văn hóa dẫn khách qua suối, các cô gái Thái tắm trần không thèm che ngực non, áo trắng phơi trên bậu đá xám, nô như bầy giặc tiên. Anh Bung văn hóa hò rằng:” Xuống suối đi thôi, không có cán bộ xấu hồ bây giờ”. Các cô cười lanh lảnh, ngọt và nõn như nắng. Có cô táo tợn đáp lại rằng: “Cán bộ thích kia mà”. Lại cười lên lanh lảnh. Nước suối đương xuân thò tay xuống là lạnh thấu, nhưng mà má sơn nữ thì nóng đỏ như lò than. Lòng khách cũng vậy.

Mường Cờ trong trẻo, nhà người Thái chẳng bao giờ có khóa, người Mông cũng không có mấy ai nghiện hút. Đương chuẩn bị tết độc lập, nhà có của đem lợn ra suối tắm, người nghèo cũng đem váy áo ra phơi chuẩn bị xuống chợ xem xòe, nghe đài pin, uống rượu bát. Không khí rõ háo hức.

2. Muôn 17 tuồi. Da đen nhẻm như trâu. Mỗi độ Muôn cười chỉ thấy trắng nhởn một hàm răng. Muôn không có cha, cũng không có mẹ. Một buổi sáng, Bí thư Chi bảo “Mày phải lấy vợ đi thôi.”. Muôn ngẩng mặt cười ngơ ngác. Như Muôn thì có ai lấy làm chồng. Đến một chiếc đèn pin đi đêm ước đến hai năm cũng chưa có mà. Nhưng ngay trưa hôm đó Muôn đã có vợ, có của hồi môn bằng vòng bạc, váy mới và hẳn một con lợn bột, có một tiệc cưới linh đình mà bất cứ chàng trai, cô gái nào cũng phải thèm muốn, tất cả đã được bí thư Chi lo, cả vợ cũng vậy. Nhưng Muôn không thích làm bạn với vợ, anh làm bạn với cái cây muổm cồ thụ đầu bản. Buổi sáng Muôn nằm lăn lộn trên mặt cỏ ướt, nghe thấm vào mình hơi sương lành lạnh. Buổi sáng, Muôn hà hít tìm hơi đám con gái rúc rích tối qua. Anh trật quần, ghếch chân đái thành cầu vồng. Buổi sáng, Muôn cọ háng vào rễ cồ thụ xù xì nhô thon trên mặt đất, Muôn đã lớn rồi và đã kịp trở thành đàn ông trước khi lớn. Buổi sáng, tôi bắt gặp Muôn ở gốc Muổm cồ thụ, Muôn bảo: Anh cũng cọ háng vào đó đi, sau này trở thành đàn ông rồi thì không biết sợ đàn bà nữa. Muôn không biết cha mẹ mình. Bí thư Chi nhặt về cho ngủ trên gác xép chuồng lợn, cho ăn cơm. Muôn lớn lên trong nhà bí thư Chi, anh làm đủ thứ việc, nhưng không đi học. Thực ra có hồi muôn cũng muốn đi học, còn làm dỗi với bí thư Chi. Nhưng ông bảo mày không cần đi học vẫn có vợ được, còn chữ ký, thì chỉ cần biết vẽ chữ “M”. Bây giờ, Muôn đã biết ký tên bằng chữ M, thực ra cũng chẳng có mấy cơ hội để khoe chữ, anh là cán bộ của xã. Bí thư vừa là xếp, vừa là ông chủ, vừa là cha mẹ.

“Thầy giáo không tốt đâu. Muôn kể ấm ức. Khi thầy vào bản, em mừng quá, em đi bắt con cá suối to nướng cho thầy uống rượu. Song rồi buổi tối, thầy say, thầy đi tán cô giáo, gặp Muôn ở đó, thầy bảo: Mày cút cồ mày đi, đồ gà ri, ba tuồi ranh đã lấy vợ.”

Căn buồng của người phụ nữ Thái nó mới tối tăm làm sao. Ngay cả khi con mắt quen với bóng tối người ta vân không thể nhận ra được đâu là bàn tay bên phải, đâu là bàn tay bên trái. Căn buồng ấy đầy mùi ẩm mốc và những tiếng thở dài, ở phía trong không có một cái then nào cả nhưng ở ngoài lại có một ống khóa to. Buổi tối, khi Muôn ngồi cầu treo tán gái, anh đem ống khóa khóa vợ ở lại trong buồng, còn chìa khóa thì “nuốt ực vào bụng”- như cách nói của anh. “Đã có chồng rồi thì tối không cần phải mặc đẹp, đi chơi làm gì”.

Vợ Muôn không đẹp, không xấu, ngực to, mông nở, ít cười, ít nói. Có nó như có con trâu tốt trong nhà. Đáng lý nó không lấy Muôn, kẻ ở đợ, nhưng vì chính bí thư Chi là người đi hỏi, bởi thế mẹ vợ không đồng ý không được. Hôm tôi sang Muôn chơi, Muôn đã cưới vợ được cả năm, bà mẹ Thái ấy vẫn nhìn thằng con rể “mặc áo nhà nước ăn cơm nhà” mà thở dài. Muôn như con heo, con chó, tay to, chân to nhưng ít nghĩ. Không có cái gì là của riêng Muôn hết.

3. Bí thư Chi đã ngoài 60, dáng nho nhã, bước chân mềm nhẹ như chân báo. Hôm theo ông từ huyện lên, tuồi trẻ của tôi đã không thắng được những bước chân báo ấy. Bí thư đi dốc như dê núi, trên vai ông, tất tật quần áo máy móc của chúng tôi, nom ôm đồm chất chồng như thể ngựa thồ . Mỗi độ đến suối, ông cởi truồng đầm mình dưới dòng nước lạnh giá, vùng vẫy như con trâu. Hoang dã, tự nhiên. Đôi khi tôi đọc được trong mắt ông ý tưởng đế vương. Rừng này, suối này, cả những con người nữa, đều là của ông, đều trong tay ông. Người miền núi thì vốn đã sống cam chịu. Ngay ở trong bữa cơm đầu tiên tại xã, bí thư muốn chủ tịch phải rót hầu rượu, hầu khách, hầu cả thằng giao liên Muôn, kẻ ở đợ không nhà. Ông đã làm bí thư được cả chục năm, tiếp theo cả chục năm làm bí thư của cha ông. Họ này đã được phát về dòng bí thư, bây giờ dân chủ, không có chuyện cha truyền con nối, nhưng cái uy, cái lực của chuyện họ mạc thì còn vượng lắm.
Bí thư Chi có nhà ở ngay mó nước nóng. Nhà sàn hai tầng, có ao cá, có máy phát điện Trung Quốc và đặc biệt là có một con “lợn của”. Một thứ giống kỳ dị, quái thai, một thứ vật không giống vật đã thành tinh. Xơ trụi lông, những chiếc núm vú to như ngón chân cái kéo lọet quẹt trên mặt đất. Đôi mắt ti hí, ánh lên những cái nhìn vương quyền. Cả cái bản Mường Cờ mấy chục nóc nhà này là nhà của nó, nó muốn ăn gì, ngủ đâu cũng
phải chiều. Nhưng có khi người ta lại lấy thế làm mừng. Kệ cho nó vào vườn ăn rau, sớm mai sang thưa với bà bí thư còn được cho lại gấp đến mấy lần. Chính Muôn kể lại với tôi rằng: “Mỗi khi đi đòi nợ, đằng trước là hai dân quân đeo súng, sau là đến con lợn, sau nữa là Muôn giao liên, sau nữa lại là hai dân quân đeo súng”.

Thấy vật như thấy người vậy. Muôn bảo hồi xưa anh lấy được vợ là do bố vợ hồi còn sống nợ tiền bố bí thư Chi. Nợ từ hồi con lợn của nó còn trẻ con chưa dám đi bậy, ăn bậy. Nợ cho đến khi con lợn đã thành tinh rồi. Muôn nói với tôi như vậy, đoạn, anh cũng thở dài.
Nhà Bí thư bầy tiệc đãi khách. Tiệc này là tiệc sang trọng vì có cả một đội xòe góp vui. Bí thư ngồi quay mặt ra cửa, quay lưng vào sạp xòe, ngồi chính trung tâm căn nhà. Lởn vởn xung quanh ông là mấy người phụ nữ. Người phụ nữ Thái tận tụy, tận tụy từ cái eo hông rắn khỏe như cái cổ con trâu núi, tận tụy cho đến cái khuôn mặt nhẫn nại như chẳng bao giờ cười. Họ cứ lặng lẽ đi lại, rót rượu, bưng bê. Đôi khi, nhìn vào sự nhẫn nại của họ, tôi có thể tưởng tượng ra tiếng thở dài trong những đêm thao thức, thứ thao thức bị nhốt trong buồng kín bịt bùng.

Giữa tiệc, Bí thư chợt nhớ ra một chuyện, ông bảo Muôn: “Mày sang đóng cửa mó nước nóng, hoãn dân tắm ba hôm, tháo nước sang ao kẻo mấy con cá chết cóng cả lũ bây giờ”. Giọng ông thản nhiên như không.

4. Chúng tôi cố gắng đi vào các bản xa của người Mông nằm cheo leo trên những lưng núi yên ngựa, nơi mù trời sương núi và lép nhép mưa rừng. Cuộc sống lắt lay như con vắt. Người Mông bản Chăm nghèo quá. Trên cột thờ, những chiếc lông gà gắn bằng nhựa cây rừng giờ đã bạc, không còn nhận ra màu sắc lông con gà nữa. Lâu lắm rồi họ không dám thịt một con gà để có lông mới gắn lên cột thờ. Một xó của thế giới bị bỏ quên. Trên bếp lửa cháy hắt hiu, những cành củi còn tươi mới gom được ở góc vườn tỏa ra một thứ khói nhạt thếch, không đủ xua đi được hơi lạnh tràn qua mọi khe liếp tràn trụa trong ngôi nhà. Đấy là nhà anh Tiếp. Nhưng te tướp nhất, hắt hiu nhất trong mái nhà không lớn hơn chuồng trâu có lẽ chính là bà cụ, mẹ của anh. Bà cụ được nghe giới thiệu có cán bộ trung ưong lên là lập tức ùa ra khóc. Bà nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh. Giọng khô, ít hơi và nhiều nước mắt. Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.

Khi mà người ta đói, người ta không nghĩ gì lớn hơn miếng ăn cả. Không có giường chiếu, chỉ có một cái chăn của nhà nước cho. Chăn bám ghét, đen nhẫy. Thương mẹ, anh con trai nhường chăn cho cụ. Thương cháu nhỏ, bà cụ nhất quyết không đắp. Đêm đêm, trong nhà chỉ có một đống lửa nhỏ, cụ lấy tất tật quần áo mặc vào người, quấn quanh mình. Bây giờ, có lẽ chiếc chăn vẫn vắt giữa nhà. Vì sự thương xót, ai cũng cố chấp, không ai nhẫn tâm để đắp chăn một mình cả.

Bấy giờ đã là 11h trưa, trên bếp, có bắc một nồi nước sôi. Cái nồi nước ấy cứ được nấu đi nấu lại mãi. Sôi. Cạn. Lại chêm nước. Cứ nấu cho nó có không khí của một bữa ăn.

Khái niệm đói đứt bữa chưa hề được xóa trên bản đồ Việt Nam.

Tôi đưa vào tay bà cụ gói lương khô, 50 ngàn bạc cụ Hồ. Bà cụ sững sờ, mắt lớn như mắt trâu, không dám nhận. Sau này anh Bung, trưởng ban văn hóa xã nói rằng trong nhà người Mông chẳng bao giờ có nổi đến ngần đấy tiền. Bằng đó tài sản nó lớn quá, nó như cả bồ thóc trong nhà. Bà cụ không còn đủ tin tưởng để nghĩ tốt đẹp hơn. Thậm chí cụ còn hỏi anh Bung xem là cán bộ nó muốn gì, tại sao nó lại cho tiền. Nói mãi bà cụ mới cầm, cầm bằng hai tay và ánh mắt vẫn chưa thôi mở lớn nghi ngờ. Thế rồi cụ lẳng lặng bới lục trong mớ tài sản tòan quần áo rách, cáu đen của mình. Mãi, mới lôi ra được một quả chuối còi như ngón chân, để lâu quá, vỏ đã nhuộm màu đen. Cụ đưa cho tôi bằng bàn tay run run, ánh mắt như không nỡ rời quả chuối. Tôi không dám tin là bà cụ tiếc, mong cho tôi không nhận, mặc dù anh Bung cố thuyết phục rằng tôi không nhận quả chuối ấy là đúng, rằng bà cụ tiếc lắm, nhưng đã có tỏ ra hiếu khách.

Nói thêm: Mỗi năm tôi đi miền núi một lần. Cùng ăn, cùng ở, cùng suy nghĩ với bà con. Mục đích là để tìm lại sự thanh thản sau những tháng ngày lăn lộn cùng công việc, những sự nguy hiểm rình rập, và căng thẳng nhất là luôn phải đối mặt với tham vọng. Khi đứng ngước mặt nhìn núi, ăn bữa cơm thơm dẻo nhưng đắng vị mồ hôi, mới thấy những tham vọng của mình thật là nhẫn tâm. Người miền núi, đồng bào, cho mình nhiều hơn những gì họ biết.

Tôi đã viết về bản Chăm, về cái đói và cuộc sống tối tăm như côn trùng của họ, nhưng đã không có ai chấp nhận sự thật đó cả.

Đào Tuấn

Suối tối

Đi qua vùng Quang Kim, một đất trù phú với những ngôi nhà kiểu miền xuôi với hàng rào cúc tần bám ven đường, với những con suối rộng thênh thang như những ngòi nước lớn thì tới Sùng Hoảng, một thôn người Dao thuộc x• Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đất ngổn ngang. Đường trèo lên hụp xuống. Bên đường, những lạch nước sói siết lạnh như kim châm lạnh lùng chảy như khoan vào đất núi. Phìn Ngan toàn đất núi. Đấy là cái thứ đất đỏ quạch tơi nát toàn mùn rừng, một thứ tro xốp từ cây xanh mà hễ cắm xuống là cây lúa đứng dậy, lớn lên, sinh sôi và trĩu hạt. Nhưng cũng từ trong đất ấy ẩn chứa đầy những hiểm hoạ. Hiểm hoạ trong những khối đá rắn đến mẻ quốc, đá to bằng con trâu bố, to bằng cả ngôi nhà 12 cột. Vào một đêm mưa, cả ngàn mét khối đất núi, khi đó tan rữa trong nước như một thứ nước súp bùn đặc sệt, dội xuống như thác. Kèm theo mưa không kịp vuốt mặt, những tảng đá ầm ầm lao xuống như đàn thú chạy trối chết trong cơn động rừng. 4 ngôi nhà nằm dưới những chân ruộng bậc thang đẹp như tranh biến mất trong thứ lũ đá, lũ bùn-lũ của một thiên nhiên phẫn nộ. 23 con người chết vùi trong đất tay vẫn còn cầm thìa, miệng vẫn đương bú mẹ. Đó là buổi tối ngày 13-9-2004. Đó là ngày đại tang của Phìn Ngan. Bây giờ, khu vực lũ đất vẫn toe toét, đỏ loè như máu, vết thương chưa nguôi trong lòng người Phìn Ngan và từ trong khung cảnh tang tóc ấy một cuộc sống mới lại bắt đầu với rất nhiều dang dở.

Sùng Hoảng có 46 nóc nhà với hơn 324 nhân khẩu nằm thành từng nhóm, vài chiếc một như những chiếc bát úp lêu vêu trên những sườn núi xen dưới những chân ruộng bậc thang. Sùng Hoảng, tiếng Dao có nghĩa là “Suối tối”. Tôi không được giải thích vì đồng bào lại gọi dòng nước trong đến lạnh lùng chảy ngang bản là suối tối. Bây giờ, con suối đó vẫn lặng lẽ, khi thì gầm gừ chảy. Không biết có bao nhiêu giọt nước mắt người Dao Sùng Hoảng đ• đổ xuống đó. Suối tối cũng chính là nhân chứng chứng kiến thảm họa. 8 giờ tối ngày 13-9. Bếp đ• đỏ lửa. Rượu nồng đ• rót. Những đứa trẻ đ• ập vào bầu sữa mẹ. Nhà Chảo Sành Kinh bữa đó làm cơm cúng lễ tháng bảy với 6 người trong gia đình và 7 người khách đến từ bản Trung Liềng bên A Mú Sung, cách đó độ nửa ngày đường. Dường như lễ tháng bảy là lễ “Xá tội vong nhân”, người sống cúng cho những người chết oan uổng, chết tức tưởi, chết tha phương cầu thực. Nhà bên, Chảo Díu Ngan bữa đó đi thăm rừng thảo quả cách đó một ngày đường, anh này đi cảm thấy không yên tâm nên đ• nhờ vợ chồng người em là Tẩn Mả Mẩy đến trông 2 đứa nhỏ, một đứa 8 và một đứa 6 tuổi. Bốn mẹ con nhà Lù thì đ• đi ngủ sớm. Bốn ngôi nhà dưới chân núi lúc đó có 23 người, gần chục đứa trẻ. Không ai biết chính xác chuyện gì khi cơn “động đất” xảy ra. 23 người của bản không một ai sống sót, một con chó, con gà cũng không còn. Đất đổ xuống từ những triền ruộng bậc thang đ• san phẳng, đ• xoá sổ 4 nóc nhà. Chúng tôi đứng bên triền dốc bên này nhìn sang mà không thể hình dung nổi những mái nhà lên khói, những chân ruộng bậc thang đẹp như tranh với nước biếc, non xanh, với tiếng gà, tiếng chó đ• từng tồn tại thế nào trong cái đám đất bầy hầy, toe toét đỏ đến rùng mình xoè như chiếc chổi sể của cơn lũ đất. Vết sạt bây giờ nom còn đỏ lòm như máu, chiều rộng chừng 100 m, trượt trôi xuống đến nửa cây số, hàng ngàn khối đất đá đ• vùi lấp toàn bộ 4 ngôi nhà và 23 người trong đó. Bây giờ chỉ còn lại đất, đá to như ngôi nhà, to như con trâu và màu đỏ lở lói. Trong những ngày sau đó, mấy trăm con người tình nguyện lê la và lấm lem trong mưa, trong đất nh•o để bới, để xúc, để móc, để đào để cố hy vọng tìm thấy một tia hy vọng của sự sống. Đổi lại, chỉ có những tang thương. 13 người nhà Chảo Sành Kinh được tìm thấy trong sự be bét, bầm dập, ướt át và tím tái, họ chết trong khi đang quây quần quanh mâm cơm, có những người tay vẫn còn nắm chặt chiếc muỗng ăn, có những đứa trẻ miệng còn chưa kịp rời vú mẹ. 4 người nhà Chảo Díu Ngan chết tan tác, anh lìa em, vợ lìa chồng, có những xác người đ• bị đất đá cuốn đi cách đó mấy trăm mét. Đau thương nhất chính là nhà Lù, vợ và ba con anh chết trong khi đang ngủ, những đứa trẻ vẫn níu chặt cánh tay mẹ, có lẽ chúng chưa kịp hiểu chuyện gì đ• xảy ra.

Suối tối vẫn lặng lẽ chảy. Những con nước lạnh ngắt vẫn chảy xuyên vào lòng đất. Người Dao, cũng như người Thái, không mấy khi sống xa con nước. Nước tưới ruộng, nước cho cây cối, súc vật ăn nước, nước cho lúa ngô và nước cho người. Và bây giờ, người chết cũng được táng bên bờ suối. Ngay bên bờ suối, dưới những tán cây, 17 ngôi mộ nằm sắp hàng nom u ám đến tàn nhẫn. ở những ngôi mộ ấy cỏ còn chưa kịp mọc, ở những ngôi mộ ấy vẫn còn đâu đó, phảng phất trong thinh không những tiếng khóc và mùi hương trầm trầm, nằng nặng. Trong chiến dịch tìm kiếm của bát Xát, của Lao Cai nhiều ngày sau đó vẫn còn một đứa trẻ con nhà Chảo Sành Kinh chưa tìm thấy. Đứa trẻ ấy mới được 3 tuổi, mới chỉ biết gọi cha. Bên suối, người ta đắp một ngôi mộ tượng trưng để làm lễ cúng ma cho bé. Ngôi mộ ấy cũng nhỏ bé, cũng yếu đuối, cũng vô tội, cũng cô quạnh, chẳng chứa đựng sinh linh bé bỏng trong đó nhưng như thế có khi làm cho người lớn càng đau đớn hơn. Nh Chảo Sành Kinh chết sạch không còn ai, vì thế mà có lẽ sẽ chẳng còn ai đi tìm cái thi thể bé bỏng yếu đuối của đứa trẻ nữa…

Lý Seo Dìn, người Mông, Chủ tịch huyện Bát Xát ngậm ngùi: Chúng tôi đ• có kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đ• di rồi, nhưng chưa hết. Theo chủ tịch Dìn, cả huyện có đến hơn 200 hộ với gần một ngàn khẩu, chủ yếu là người Mông, người Dao nằm trong “Khu vực nguy hiểm”. Huyện đ• “di” được hơn trăm hộ rồi. Số còn lại nằm trong diện nguy hiểm, Huyện biết, X• biết, bà con cũng biết nhưng chuyện di rời không dễ khi mà nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, khi lối sống định canh định cư nó ở trong đầu bà con rồi. Tôi hỏi Dìn “Diện nguy hiểm” là gì. Chủ tịch bảo địa chất Bát Xát rất kém, đất đá cứ r• rời ra mỗi khi có mưa, hơn nữa, độ dốc lại lớn, nhiều khu đất có vết nứt to bằng cả gang tay, chẳng cần phải thăm dò, phải khoan địa chất cũng có thể biết được. ở Ngải Thầu, có vết nứt rộng hơn gang tay chạy xuyên mấy chục mét qua liền mấy ngôi nhà của đồng bào. Trong lịch sử, hồi năm 1976, ở Bát Xát đ• xảy sạt đất làm chết hơn 30 người. Không nói đâu xa, hồi đầu năm 2000, huyện đ• phải chỉ đạo di dời gấp cả thôn Pà Treo 57 hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm ngay trước khi sạt lở. Tại sao lại không di dời ngay? Chủ tịch Dìn nói, không dấu được sự kìm nén một tiếng thở dài: Vấn đề là không có mặt bằng để di. Dẫu biết chậm di, sạt đất là mất tất, là chết tất.

Chúng tôi được một cán bộ huyện dẫn xuống Sùng Hoảng thăm đại diện mọt gia đình. Đó chính là nhà mới của Chảo Láo Lù. “Nhưng mà nó vừa bắt vợ nữa rồi”- anh này thông báo trước, có lẽ là sợ chúng tôi thất vọng. Chúng tôi leo đủ ba mươi bảy bậc thang đẽo trong đất, nông bằng bàn tay để leo lên nhà Lù. Ngôi nhà như một mầm xám mọc tinh tươm lên trong đất. Nhà mới, được làm bằng tiền cứu trợ nom có vẻ vuông vắn nhưng trống hoác. Vật v• ngay bên hiên là cái thứ gọi là bếp. Bếp không có lửa, thậm chí không có cả tro. Lù đang ở nhà hút thuốc lào v• trong một chiếc điếu dập vỡ chằng buộc bằng mấy sợi dây rừng. Nhà Lù có mấy bao thóc “cha gửi”, ít khoai sọ và hai can rượu. Quả thực trong nhà anh đ• có thêm một cô gái Dao mới “bắt về”, cô này cũng tên Mẩy như hầu tất cả các cô gái Dao khác. Hôm “động đất”, Lù may mắn thoát chết khi đi đổi trâu ở bên Trung Lièng Hồ. Lù có tới 4 chiếc răng vàng (Theo tục của người Dao, người có nhiều răng vàng là người sang, người có của), anh nói, giọng vẫn chưa hết bùi ngùi vì tiếc của “Mình mất một con dê mẹ mới mua sắp đẻ, hai mẹ con lợn, 10 dê, 15 lợn con, một con lợn tết nữa. Mất 20 bao thóc. Mất 5 đồng bạc trắng. Mình còn mất một vợ hai ba con nữa. Mất xong, mình chỉ còn một cái quần mặc, một cái áo mặc, mình không còn được miếng gì mà”. Sau “động đất”, Lù đ• được cấp tiền để xây một ngôi nhà mới. Cuộc sống trầy trật tay trắng ấy bắt đầu lại từ ngôi nhà còn nguyên mùi chua chua của thân cây ngâm nước suối.

Người Dao Sùng Hoảng cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang, mỗi nhà vài khoảnh, mỗi năm thêm một vài khoảnh, như những bậc thang từ sau nhà leo tuốt lên đến đỉnh núi. Chị Mạnh Tấn, một đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Lào Cai hồi về Sùng Hoảng đ• ví những mảnh ruộng bậc thang ấy như những nếp xếp trên áo thiếu nữ Dao. Lù trước đây đi buôn trâu, nhà có khá nhiều ruộng. “Mấy sào- Tôi hỏi. “Mình không đo, khoảng 10 cân giống, bây giờ sạt mất rồi, chỉ còn năm cân”, Lù đáp. Đồng bào Dao không có khái niệm mét vuông, hay sào, diện tích được đo bằng “cân giống”. Từ những mảnh ruộng “chục cân giống” ấy, mỗi năm nhà Lù thu được chừng hai tấn thóc. Người đàn ông Dao 42 tuổi thậm chí không nhớ nổi tuổi những đứa con này không suy nghĩ nhiều về những sự đ• qua, về cái sống, cái chết vừa ở đâu đó quanh anh, quanh gia đình anh, hiện thực mà anh phải đối mặt, hai đứa con còn sống phải nuôi Chảo Láo Sểnh và Chảo Sử Mẩy mới là điều khiến anh phải bận tâm. Rất thật thà, Lù nói trong những thứ mất của anh, tiếc nhất là mất 5 đồng bạc trắng. Đó là những đồng bạc được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác như là biểu hiện của một gia đình, một dòng họ danh gia vọng tộc, và chỉ truyền lại cho con trai trong nhà. Mất những đồng bạc ấy, là mất sợi dây nối với cha mẹ họ hàng “dưới suối tối”. Tôi không nhớ có ai đó đ• kể câu chuyện rằng trước khi đi chôn, “nó” (chỉ đồng bào) quyết lấy cán dao ghè đòi bằng được mấy chiếc răng vàng trong miệng người chết. Khó có thể gọi đó là sự ngô nghê của đồng bào khi chúng ta chưa từng sinh ra như họ, sống như họ, suy nghĩ như họ. ở Sùng Hoảng, có những câu chuyện làm người ta đau đớn. Khi hai mươi hai thi thể nạn nhân được tìm thấy quấn chiếu để bên rệ rừng, có một đàn ông người Dao ôm xác vợ, khi đó đ• biến dạng và không đồng ý cho an táng. Vì sao? Vì vẫn chưa có “bác sĩ áo trắng” đến lấy “chiếc vòng” (tránh thai) ra khỏi người vợ và như thế có nghĩa là ở dưới “Suối tối”, “nó” sẽ không lấy chồng, không đẻ con được. Hình như đối với người Dao, còn có một thế giới khác, đằng sau, chính xác hơn là sau khi kết thúc cuộc sống ở thế giới trần tục này.

Giữa chúng tôi đ• có cuộc tranh luận gay gắt, không hiểu sao, lại là về vấn đề đạo lý. Anh cán bộ đi cùng phàn nàn, ra ý đáng lẽ ra Lù không nên lấy vợ mới, một đứa cũng tên Mẩy- khi thậm chí mộ những đứa con, mộ vợ cũ còn chưa xanh cỏ (Tôi chứng kiến mồn một cô vợ mới của Lù, người tròn lẳn, má đỏ hây hây vẫn thi thoảng liếc nhìn chồng như si, như thẹn). Chị Mạnh Tấn không đồng ý với anh cán bộ, chị bảo đại ý biết đâu đó chẳng phải là “Liều thuốc trái tim” để “nó” còn có cái mà yêu cuộc sống vốn đ• “về mo” từ sau cái đêm 13-9 tang tóc đó. Hơn nữa, nó phải có những Mảy, những Sử nữa chứ. Không hẹn, chúng tôi bất giác cùng ngoảnh sang ngó Mẩy. Cô đang ngồi bên bậu cửa, bó gối như cách phụ nữ Dao vẫn ngồi mỗi độ nhà có khách, ánh mắt say sưa nhìn “chồng” như thể trong ngôi nhà vọc vạch toang hoác ấy chỉ có hai người họ. Trên cần cổ dẻo dai như eo hông con trâu của cô gái Dao đ• có những sợi gân xanh nổi lên, một mầm sống mới có lẽ đ• kịp nảy chồi.