Chuyện “Cấm đất” và nụ cười khẩy của con ốc bươu vàng

Cuoi1Nếu mà biết cười, hẳn nhiên con ốc bươu vàng sẽ cười lên ha hả trước sự lành như đất của các cơ quan quản lý.

Rất đàng hoàng, điều 14 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật vừa được Quốc hội bàn tới chiều qua, ghi rõ cấm đưa “đất hoặc thực vật mang theo đất” vào Việt Nam.
Rất đĩnh đạc, một vị ĐBQH cho biết ông like mạnh quy định này bởi việc “cấm nhập khẩu đất nói chung là để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại xâm nhập vào nội địa”. Trong phát ngôn, ông còn nhắc tới “giá thể” mà có lẽ, không mấy người hiểu được đó là “đất trồng”.
Vậy là từ nay, muốn mang đất vào Việt Nam, phải có có sự OK, bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp. Thế là, ngay cả một cái cây cảnh, cũng vẫn phải có giấy phép con, phải xin cho, phải chạy chọt.
Nếu phải đưa ra một nhận xét, thì giấy phép con, hay cơ chế xin cho, trong trường hợp này, thực ra là cần thiết khi mà thực tế điệp trùng những cây, con, chất lạ mà ngay cả cơ quan quản lý cũng chẳng biết nó là cái gì.
Cũng lại phải nói thêm, việc cấm nhập đất trong luật cũng lại là cần thiết, theo nguyên tắc đã là luật có quy phạm cấm, thì phải lường hết được những gì… phải cấm. Ai mà biết được, nhỡ người ta mang “đất lạ” nhiễm độc như đất nhiễm “Nicotex Thanh Hóa” vào Việt Nam thì sao.
Nhắc đến Nicotex Thanh Hóa, lại phải nói rằng trước khi lo cái lo “đất lạ” to tát xa vời kiều nỗi lo ngày tận thế, hẵng cứ bàn đến những thứ lạ từ cây lạ, con lạ, chất lạ, và cả “đất lạ”…đang tràn ngập đất này đi đã.
Có nhiều con số thật khủng khiếp thực ra là có mối liên hệ bền chặt. Chẳng hạn cả nước có tới 28.593 đại lý và hàng chục ngàn cơ sở bán lẻ thuốc bảo vệ thực vật kịch độc với người trong khi trình độ dù i tờ hay tầm cỡ giáo sư tiến sĩ cũng lắc đầu với những nhãn hàng hoặc toàn chữ tượng hình, hoặc mang những cái tên khoa học bằng chữ la tinh. Rồi thì tới 70,8% những người hàng ngày tiếp xúc với thuốc độc đang pha chế thuốc bằng cách thêm nếm với trình độ của một đầu bếp. Hay câu chuyện Nicotex đang minh chứng xuất sắc cho sự hồn nhiên của các cơ quan quản lý: Đến một cái hố chôn đúng quy cách cũng chưa từng có. Và không thể không nhắc tới con số 110.000 ca K mắc mới mối năm khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam được đưa vào nhóm cao nhất thế giới.
Hôm qua, trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị An, một giáo sư tiến sĩ ngành hóa, đã thổn thức: “Tại sao ốc bươu vàng thương lái đi mua mà các đồng chí không cấm, không bắt luôn thương lái. Tại sao cứ để cho đi mua và tồn tại mãi không thể nào trừ được?”. Tại sao không xác định trách nhiệm của những người ký, phê duyệt liên quan đến những con vật lạ, như ốc bươu vàng, “dù đồng chí đó có về hưu đi chăng nữa”?
Đấy, một con ốc, sinh vật sống còn chẳng quản lý được gây hại gần 4 thập kỷ, huống chi đất.
Đến một cái lọ thuốc còn chẳng biết nó là gì, từ đâu, tại sao xuất hiện, và gây hại thế nào, huống chi thứ hàng hóa đương nhiên không nhãn mác xuất xứ đâu cũng như đâu, chỉ khác nước H2O, vẫn được ví là “lành như đất”.
Vấn đề không phải là cấm cái gì mà là việc thực hiện vấn đề cấm đó như thế nào. Nếu mà biết cười, hẳn nhiên con ốc bươu vàng sẽ cười lên ha hả trước sự lành như đất của các cơ quan quản lý.