Chống oan sai: Cần một chiếc trống Đăng Văn?

Trong “Ngày xưa thời phong kiến có quy định “tiếng trống đăng văn”, nghĩa là khi  người oan ức cùng đường buộc phải đánh trống kêu oan thì cho dù là nửa đêm vua cũng phải mặc Hoàng bào để ra trực tiếp xét xử. – ĐBQH Lê Thanh Vân


PV: Thưa ông, có thể giải thích thế nào trước việc “dàn trận chống tham nhũng” nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu?
Lê Thanh Vân: ĐBQH có nói đã dàn quân, dàn trận rất là hùng dũng, nhưng bắt tội phạm, thì chưa được nhiều. Ở đây có chỗ quyết tâm, quyết tâm phải thể hiện vào xương vào máu từng người thực hiện chống tham nhũng. Nó phải trở thành quyết tâm diệt thù, coi tham nhũng là giặt nội xâm thì, phải lắp đạn nhằm vào quân thù mà bắn chính xác thì mới được. Ở đây có yếu tố trách nhiệm, nghĩa là những người đứng đầu thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng phải quyết liệt. Chẳng hạn như vụ Dương Chí Dũng là vụ rất điển hình, hay Nguyễn Thanh Bình, thì phải dốc sức, dốc tâm vào làm, làm cho ra nhẽ đi. Từ chủ trương mua ụ nổi thế nào, cho đến lúc lách luật, che giấu tội phạm ra sao. Phải xác định từng tuyến quan hệ, rạch ròi thì mới quy trách nhiệm. Tóm lại trong nguyên nhân mà Chính phủ nêu ra là đúng, nhưng chưa sâu. Bởi văn bản pháp luật của chúng ta là có hết rồi. Đây chính là công cụ, vũ khí chống tham nhũng, nhưng người sử dụng vũ khí quyết liệt đến đâu, và nhận diện kẻ thù tham nhũng như thế nào, để bắn phát nào chính xác phát đấy, nổ những tiếng nổ đanh thép gọn gàng, thì mới lấy lại được niềm tin trong nhân dân.
Ông vừa nói đến việc bảo vệ người chống tham nhũng, nhưng trong câu chuyện thời sự chị Oanh tại bệnh viện Hoài Đức bị khởi tố, hay trước đó là phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ đều bị tuyên án tù. Như vậy có phải là bảo vệ người tố cáo? khi hoạt động của họ cũng chính là chống tham nhũng?
Cần xem xét yếu tố chủ quan và giai đoạn phạm lỗi của người thực hiện hành vi đó. Ví dụ như chị Oanh bị khởi tố vì hành vi trước đó, chị ý đã gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm. Và sau này việc chị giác ngộ ra và chị ý ủng hộ cho chị Nguyệt để tố cáo chuyện này, thì rõ ràng phải xem xét chuyển trạng thái tâm lý, con người cụ thể từ chỗ thực hiện hành vi sai phạm cho đến lúc mình nhận thức ra. Chưa đủ dũng cảm để tố cáo nhưng đã hỗ trợ cho người khác tố cáo. Nhận thức của con người cụ thể đó trong từng giai đoạn để mà nhận định sai phạm của họ, cũng như thành tích của họ. Đương nhiên là chúng ta không phủ nhận thành tích của họ nếu như họ thực sự giác ngộ ra và góp phần cung cấp chứng cứ cho các cơ quan điều tra, xác định tội phạm, nhưng cũng cần xem xét yếu tố về tâm lý, về nhận thức trước đó khi mà có thể họ sợ bị trù dập, có thể họ do bị thúc ép một nguyên nhân nào đó, mà họ không dám đủ dũng khí để đưa vụ việc ra ánh sáng, mà có thể phải dùng cả nghiệp vụ bí mật như nhà báo Hoàng Khương. Tôi cho rằng bản thân cơ quan điều tra, cơ quan luận tội phải minh định được yếu tố lỗi trong từng giai đoạn, tâm lý nhận thức của con người cụ thể. Có như vậy mới xử sự công bằng được.
Muốn nhân dân tham gia thì phải đảm bảo cho nhân dân có độ an toàn. Chứ bây giờ trên bề mặt của xã hội ta khi kẻ có chức có quyền phạm tội tham nhũng có đầy đủ tay chân, thủ đoạn để mà trả thù, ngăn chặn hành vi tố giác tham nhũng.
Hiện đang có biểu hiện, những tiếng nói chống tham nhũng bị vô hiệu hóa tại chính Nghị trường như lời ĐB Lê Như Tiến nói. Ông nghĩ sao về việc đó?
Tôi nghĩ mỗi đại biểu đều có chính kiến của mình. Đó là chính kiến của đại biểu Lê Như Tiến chứ còn nếu như nhận định như ĐB Tiến nói thì đó là xem xét thái độ của các ĐBQH đối với tội phạm tham nhũng. Tôi cho rằng, ĐB Lê Như Tiến đã đứng trên góc nhìn của ông. Có thể ông nhìn thấy, quan sát thấy sự lên tiếng của các ĐBQH chưa mạnh mẽ, chưa bày tỏ được sự phẫn nộ của nhân dân đối với loại tội phạm này, nên ông nói như vậy. Nhưng xem ra trong hội trường không chỉ có mình ông Lê Như Tiến mà nhiều người khác cũng đã lên tiếng mạnh mẽ với thực trạng rất là tiêu cực đang phổ biến trong xã hội.
Quốc hội giám sát rất nhiều mảng tiêu cực, nhưng tại sao chống tham nhũng thì chưa?
Tôi nghĩ rằng chức năng giám sát tối cao thuộc về QH mà các cơ quan khác không có. Nhưng giám sát tối cao là giám sát hoạt động chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Và các cơ quan nhà nước đó chịu trách nhiệm trước QH. Điều đó không có nghĩa là, QH có thể xắn tay vào 1 vụ việc cụ thể. QH giao cho các cơ quan thực thi pháp luật thực thi các đạo luật, Nghị quyết mà QH ban hành. Và giám sát chính là giám sát việc chấp hành thực thi các Nghị quyết ấy, chứ QH không đủ điều kiện năng lực để mà xem xét điều tra các vụ việc cụ thể. Những vụ việc lớn mà dư luận quan tâm thì QH cũng nên có các cuộc giám sát đặc biệt, thậm chí tổ chức các cuộc điều tra đặc biệt nhằm vào các vụ án tham nhũng trọng điểm. Cái đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của QH. Và cơ quan đó giúp cho QH làm rõ ràng, minh bạch những cái mà dư luận bức xúc, những cái mà ĐBQH quan tâm, thì làm như thế mới đúng luật.
Nghị quyết 37 về công tác tư pháp đã được ban hành, trong khi ngoài thực tế thì không thiếu những vụ oan sai?
Có nhiều vụ việc tôi chuyển đơn được trả lời. Nhiều người khác thì gặp trực tiếp cũng không trả lời. Trách nhiệm của người đứng đầu giải quyết các yêu cầu kiến nghị của ĐBQH theo luật đang bị xem nhẹ. Tôi cho rằng, 1 người đứng đầu 1 cơ quan thực thi pháp luật nếu như đọc được những cái đơn thấm đẫm nước mắt, nỗi oan khiên của người dân thì một người bình thường cũng có thể lay động và nhận ra những dấu hiệu không bình thường. Ngày xưa thời phong kiến có “tiếng trống đăng văn”, nghĩa là khi người oan ức phải đánh trống đăng văn để mà kêu oan thì cho dù là nửa đêm vua cũng phải mặc Hoàng bào để ra trực tiếp xét xử vụ án. Trong lịch sử đã có vụ án Bùi Hữu Nghĩa ở Đồng Nai được vua Minh Mạng đích thân xét xử. Tôi cho rằng phải có cơ chế nào đó để đứng đầu các cơ quan nhà nước tối cao thực sự vào cuộc. Tôi nói ví dụ như vụ án của ông Chấn là gửi nhiều đơn trong nhiều năm nhưng người ta giải thích gửi đơn không đúng chỗ. Dù không đúng chỗ nhưng người có trách nhiệm thì cũng nên dành thời gian để đọc những vụ án ấy. Và khi nhận thức được nút thắt trong nỗi oan đó, thì chỉ đạo đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ ngay cả những người đứng đầu các cơ quan chấp hành pháp luật, các cơ quan giường cột của bộ máy nhà nước cũng nên dành thời gian đọc đơn oan khiên của dân chúng.
Xin trân trọng cảm ơn ông