Quyền của cái miệng

Luật Biểu tình cuối cùng vẫn là dự án luật gây tranh cãi nhất trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Và lần này, thay cho phát ngôn nổi tiếng “Biểu tình là sự ô danh”, thì “Chủ nghĩa xã hội” được đưa ra như một lý do chính để bác bỏ dự án luật này.

“Nước ta là nước Xã hội chủ nghĩa, chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được”- Đây là phát biểu của ĐBQH Đắk Lắk, ông Niê Thuật.
Ăn xin là vạn bất đắc dĩ, là một cách để cái miệng có thứ mà nhai, là một cách kiếm sống. Không ai muốn phải tha hương, phải “lao động khổ sai” cả ngày trên đường, phải “cúi nhặt đồng xu dưới cống” cả. Hơn nữa, cũng cần phải nói là có nhiều cách để xóa bỏ tình trạng “ăn xin giữa đường” thay cho biện pháp hành chính là cấm, là bắt, là trả về địa phương, là đưa đi trại bảo trợ xã hội. Mà cách hữu hiệu nhất là chính quyền cho họ một cái cần câu cơm để tự họ có một cuộc sống “có cái để cho vào miệng”. Ông Niê Thuật là Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, là quan đầu tỉnh, chắc hẳn ông quá hiểu chuyện đó. Vì thế, sự “được” hay “không được” không quyết định bởi những người vô nghề nghiệp, đang đói rã họng phải lê lết đi xin ăn ngoài phố, mà ở trách nhiệm của các bậc phụ mẫu với nhân dân của mình. Ước mơ giản dị của cụ Hồ “Ai cũng có cơm ăn áo mặc” từ ngày lập nước đến giờ đã mấy chục năm, xem ra vẫn còn là một mục tiêu cần phấn đấu.
Thế đấy, dù xã hội chủ nghĩa là tươi đẹp, là ưu việt, vẫn có những người phải ăn mày thiên hạ. Nhưng ngay cả khi nhân dân đã no ấm đến mức không còn người ăn xin, không còn hàng trăm ngàn người thiếu đói mỗi tháng thì chế độ xã hội cũng không phải là lý do để bác đi một trong những quyền cơ bản nhất của công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Thưa ông Niê Thuật, một xã hội có những vấn đề- ăn xin chẳng hạn, thì cái đáng sửa, là cái cách xã hội đó đối xử để người dân không phải ăn xin, chứ không phải mặc áo đạo đức nói nó không có “ăn xin”, hoặc không chấp nhận “ăn xin” là vấn đề xã hội.
Còn nhớ tháng 11 năm ngoái, với tư cách là người có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ đã nói một cách rất giản dị rằng một dự án luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình là cần thiết vì thực tế đang đòi hỏi và bởi Luật Biểu tình là thực hiện theo Hiến pháp, với quy định công dân dược biểu tình. Chính phủ chấp nhận Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ thậm chí là người có sáng kiến xây dựng Luật, dù có thể các cuộc biểu tình sẽ là nơi nhân dân tỏ thái độ, hoặc ủng hộ, hoặc chưa ủng hộ với Chính phủ. Vậy thì can cớ gì mà một đại biểu dân cử lại không chấp nhận quyền hiến định của dân?
Phát biểu trước nghị trường ngày hôm qua, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, người từng coi Luật biểu tình là một “món nợ” của nhà nước đối với nhân dân, tiếp tục yêu cầu đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật. Bởi theo ông: Một bên người dân có quyền hiến định, một bên là tình trạng thả nổi sẽ làm phát sinh xung đột, sự cố bất lợi nhiều mặt, kể cả uy tín của Nhà nước và thậm chí là thể diện quốc gia”. Ông gọi những người từng biểu tình là “bà con”: Rất nhiều trường hợp biểu tình là do liên quan tới đất đai, vì không có hành lang pháp lý nên cách làm của bà con không theo mô hình nào cả, không có tư vấn nên dễ bị kẻ xấu xúi bẩy, gây ra nhiều hành vi phản cảm. Và “Luật biểu tình sẽ đưa tình trạng này vào nề nếp, nhiều ngòi nổ sẽ được tháo bỏ kịp thời trước khi vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn. Hy vọng khi có luật, các vụ biểu tình sẽ giảm bớt với mức độ sẽ bớt nghiêm trọng hơn”.
Không có Luật biểu tình vẫn có những cuộc biểu tình, dù đó là bất hợp pháp. Có Luật Biểu tình, có nghĩa là sẽ có biểu tình. Nhưng một đất nước có những cuộc biểu tình hợp pháp thì đó không phải là sự “ô danh” khi cùng với quyền được nhai, cái miệng còn có quyền được nói.


  1. giang sơn

    à nhớ ra rồi ông này bí thư ông CƯ chủ tịch.đâu cần phải ăn xin chỉ cần mua đi bán lại kiếm mấy tỷ đồng việt nam chơi ăn xin ra đường mo,như thế mới biết các vị tài có tiên liệu trước thời cuộc

  2. Tư sản nghĩa là gì ?

    Tư sản có nghĩa là mỗi một công dân trong một quốc gia đều có quyền tư hữu, quyền sở hữu tài sản và quyền được luật pháp bảo vệ tài sản đó nếu tài sản đó là hợp pháp. Những ai có nhiều tài sản thì phải đóng thuế cao, và tiền thuế đó phục vụ công ích, hỗ trợ người có ít tài sản và đầu tư giáo dục, giao thông. Tư sản là quyền được sở hữu đất thổ cư, đất canh tác, sở hữu nhà cửa, tài sản riêng mà không sợ bị cưỡng chế để chia cho người khác hoặc bị “bọn tham nhũng và nhóm lợi ích” cướp đoạt. Quyền tư hữu là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi công dân trong một nước, miễn là người đó không bị tước quyền công dân do vi phạm luật đại hình. Một khi con người không còn quyền tư hữu, quyền được bảo vệ tài sản cá nhân, quyền được tôn trọng tài sản trí tuệ và tri thức, thì con người đó trở thành vô sản, nghĩa là không có một quyền gì để sở hữu và bảo vệ tài sản của mình làm ra, bị tước đoạt hết những gì mình có được, và họ sẽ trở thành như những con vật và nô lệ cho ông chủ “lãnh đạo”, ngay cả mạng sống của mình cũng không có quyền sở hữu nhưng phải phụ thuộc vào đảng cầm quyền độc tài. Một chế độ “dân chủ tư sản” thực chất là của mọi người, vì ai cũng là tư sản, tức là được quyền sở hữu tài sản do mình làm ra, thậm chí những người vô gia cư cũng là tư sản, vì họ cũng có một ít áo quần, giày dép. Trong một thể chế “dân chủ tư sản”, mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ như nhau, quyền được tự do bày tỏ ý kiến của mình mà không sợ bị trù dập, quyền được tự do lập hội và hội họp miễn là không xâm phạm đến quyền tự do của người khác, quyền được độc lập mà không bị bất cứ một đảng phái chính trị nào chi phối. Mỗi người đều có lá phiếu bầu cử như nhau, từ người vô gia cư đến người có tài sản kết sù cỡ như các đại gia tư bản đỏ Việt Nam. Mọi người đều có quyền tham gia thành lập đảng phái chính trị miễn là tư tưởng chính trị đó tôn trọng tự do của người khác, và chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc gia.
    Có lẽ bạn đã hiểu đôi chút về “nền dân chủ tư sản” ?

  3. Chuối Rừng Tây Nguyên

    Ông Bí thư tỉnh có lý của ông ấy.Nếu thật sự tôn trọng các quyền công dân thì ông ấy làm dân chẳng đắt chứ đừng nói làm quan ,mà lại còn là quan to.Thật mỉa mai cho cái gọi là “quan trí “của quan lại nước nhà .

  1. 1 Biểu tình và quyền của cái miệng « Hãy dành thời gian

    […] Đào Tuấn blog Share this:StumbleUponDiggRedditTwitterEmailPrintFacebookTumblrLinkedInLike this:LikeBe the first […]

  2. 2 Quyền của cái miệng « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

    […] Blog Đào Tuấn. Share this:TwitterFacebookLike this:LikeBe the first to like this post. Categories: Chính […]

  3. 3 Tin thứ Hai, 04-06-2012 « BA SÀM

    […] Đào Tuấn Quyền của cái miệng […]

  4. 4 QUYỀN CỦA CÁI MIỆNG « CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO

    […] Blog Đào Tuấn – Luật Biểu tình cuối cùng vẫn là dự án luật gây tranh cãi nhất trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Và lần này, thay cho phát ngôn nổi tiếng “Biểu tình là sự ô danh”, thì “Chủ nghĩa xã hội” được đưa ra như một lý do chính để bác bỏ dự án luật này. […]

  5. 5 Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 04-06-2012 | bahaidao2

    […] xưa, nên vì đất có thể bùng nổ những điều mà các Viện chưa nghiên ra”. – Quyền của cái miệng (Đào Tuấn). – Đề bạt Dương Chí Dũng: BÁ TÂN: Ngụy biện trắng […]




Bình luận về bài viết này