Quốc hội cần một cây búa!

buaCó tới 3 phát biểu nhắc đến chuyện “cây búa” trong phiên khai mạc phiên họp  Ủy ban thường vụ Quốc hội thứ 13 sáng qua.


Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là người đầu tiên nói đến việc “Cần một cái búa để gõ” khi ông phát biểu về chất lượng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII: “Nhiều câu hỏi (của các vị ĐBQH) các Bộ trưởng không trả lời được. Sau khi nghe trả lời xong càng bực thêm”- Phó Chủ tịch QH nhận xét. Ông đề nghị “Các Bộ trưởng vòng vo, nêu thành tích, hay trả lời quá dài thì phải cắt thôi”. Và đó là bối cảnh cho câu chuyện cây búa với ý nghĩa như một công cụ duy trì kỷ luật nghị trường. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng xen ngang “Các nước họ tặng nhiều búa, mang về đây nhiều lắm rồi”. Ông Sơn liền đó khẳng định “Gõ”, “Phải gõ chứ sao không”. 30 phút sau đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói đến chuyện cây búa: “Chẳng lẽ tư bản thì cần búa còn xã hội chủ nghĩa thì không?”. Là người thường xuyên điều hành những phiên thảo luận KTXH, bà dùng chữ “Rất hay”: “Quốc hội nước ngoài dùng búa để gõ với những người nói dài. Trật tự ngay. Nên chăng dùng búa quyền lực để nhắc nhở các ĐB”.
Thực ra, QH đã có một “cây búa”, đó là nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri vẫn gọi là nghị quyết về việc thực hiện lời hứa. Nói như Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Nghị quyết chất vấn rõ ràng từng việc một đối với từng bộ trưởng, trưởng ngành. Cái gì làm có mức độ; Cái gì phải tạo chuyển biến với những mốc thời gian cụ thể. Và cái gì cần phải làm dứt điểm”. Phó Chủ tịch QH cho rằng: “Đây là căn cứ cụ thể để QH và cử tri giám sát lời hứa các vị bộ trưởng”. Kỳ họp vừa rồi, QH đã có tới 7 nghị quyết, 7 “cây búa”, một kỷ lục thực sự. Có “búa” rồi,  gõ hay không lại là chuyện khác. Nói như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: (Những gì đã) thành nghị quyết là đã trở thành vấn đề của toàn dân, càng cần nghiêm túc thực hiện. Bởi nghị quyết có mà không thực hiện không khéo thành “đánh trống bỏ dùi” và người dân, cử tri sẽ đánh giá “QH nói lắm mà không làm được gì”.
Nhưng cây búa dường như không chỉ dành để duy trì “kỷ luật” với các vị Bộ trưởng “vòng vo, nêu thành tích”, các vị trưởng ngành “nói nhưng không làm”. Báo cáo của Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Thị Nương cho thấy mỗi tuần có bình quân hơn 220 lượt ĐBQH vắng mặt. Vắng nhiều nhất là đoàn Hà Nội và TP HCM. Phổ biến là sự vắng mặt của các vị Bộ trưởng. “Chúng tôi theo dõi có buổi trong 33 vị vắng có 18 Ủy viên trung ương, chủ yếu là các bộ trưởng”- bà Nương nói. Ấy là chưa kể tới tình trạng vắng một nửa, tức là sáng họp Quốc hội, chiều về cơ quan. Đỉnh điểm của sự xúc phạm của người được bầu với người cầm phiếu là việc có ĐBQH thậm chí xin nghỉ phần lớn thời gian của kỳ họp Quốc hội để ra nước ngoài dự lễ tốt nghiệp đại học cho con. Bà Nương đề nghị QH “Không giải quyết việc các đại biểu đi công tác nước ngoài trong kỳ họp”. Có lẽ, để duy trì trách nhiệm và sự tôn trọng tối thiểu đối với cử tri, các vị ĐBQH cũng cần có một cây búa, cây búa cho riêng mình.


  1. KHI CẢ NƯỚC LÀ CƯ TRI THÌ QUỐC HỘI SẼ LÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO CẢ NƯỚC

    Với quốc hội hiện nay nhân dân đừng hy vọng gì tốt đẹp,bởi cư tri của đại biểu chính là ĐCS, dân bầu người đảng chọn, nghĩa là dù bầu ai cũng là người của đảng, vậy cư tri quốc hội là ĐCS, đương nhiên đại biểu phải làm hài lòng cư tri, hài lòng đảng người quyết định cái ghế của mình, do vậy quốc hội là đại diện cho tất cả các đảng viên cộng sản cả nước, chứ không phải nhân dân, đó chính là bản chất của vấn đề. Chỉ khi nào cử tri cả nước 86 triệu, chọn bầu đại biểu quốc hội, thì khi đó nhân dân sẽ là cư tri, đại biểu chính là đại biêu cho cử tri. Lúc này dù bất kỳ một đại biểu nào, dù là đảng viên cộng sản, cũng không dám làm cho 86 triệu người không hài lòng, họ sẽ bị bãi miễn theo luật, ngay cả khi được 3,6 triệu đảng viên cs bỏ phiếu tín nhiệm, cũng không là gì với 86 triệu cử tri cả nước, khi đó điều 4 hiến pháp sẽ bị loại bỏ, vì nó chỉ có lợi cho các đảng viên cộng sản, chứ không phải với cử tri trong nước, cũng chẳng có cư tri không cộng sản lại thừa nhận điều vớ vẩn trong hiến pháp. Bất kỳ một đảng phái nào cũng không thể là đại diện cho tất cả công dân cả nước, họ chỉ đại diện cho đảng của họ,nhóm người có chung một lợi ích sống còn nào đó, sự sống còn của bất kỳ một đảng nào đó chính là tính lợi ích, có thể 1 giai đoạn nào đó lợi ích của đảng được che dấu dưới lợi ích của cộng động cả nước, nhưng sau đó nó sẽ lộ ra như bây giờ khi mà lợi ích của đảng khác với lợi ích của cả nước như: chỉ có đảng viên mới được lãnh đạo, được quản lý nhà nước, trong khi đó quốc gia, quyền quản lý quốc gia mọi người công dân đều có quyền vì tổ quốc là của họ, tổ tiên của họ để lại, hay vấn đề lãnh thổ: đảng cs muốn duy trì quyền lợi như điều 4 hiến pháp do đảng qui định, khi điều này đi ngước lại với lợi ích nhân dân, họ sẵn sàng cầm cố quốc gia miễn là lãnh đạo suốt đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác do vậy đảng không thể đại diện cho dân tộc, cho cả nước dù đảng cộng sản có muốn cũng không tồn tại muôn năm được

  2. Gà quê

    Búa thôi chưa đủ, cần một thanh đao nữa.

  1. 1 Tin thứ Tư, 12-12-2012 « BA SÀM

    […] Quốc hội cần một cây búa! […]

  2. 2 Tin thứ Tư, 12-12-2012 – cập nhật | Dahanhkhach's Blog

    […] Quốc hội cần một cây búa! (Đào Tuấn). “Có lẽ, để duy trì trách nhiệm và sự tôn trọng tối thiểu […]

  3. 3 NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 12-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

    […] Quốc hội cần một cây búa! (Đào Tuấn). “Có lẽ, để duy trì trách nhiệm và sự tôn trọng tối thiểu […]




Bình luận về bài viết này