Các o du kích không đợi được đâu, thưa bà Bộ trưởng

O40 năm là quá lâu để phá đi những rào cản. Khoảng cách một bước chân giữa bờ Bắc và bờ Nam cầu Hiền Lương chẳng hạn.

Năm 1972, tại chiến trường đẫm máu Thành cổ Quảng trị, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đã ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu của những o du kích. Họ nở nụ cười thật tươi, với hậu cảnh là những bức tường đổ nát, và trong bối cảnh “đạn vẫn bay chiu chíu trên đầu”.
Nụ cười của “Nữ du kích thành cổ”, những người tuổi trẻ một thời từng khẳng định “Đi. Nếu chết thì ở mô cũng chết”- say nàu được đưa vào sách giáo khoa lịch sử như minh chứng cho một trong những khoảnh khắc bi hùng nhất trong lịch sử dân tộc.
Chiến tranh, với bom chùm, pháo bầy, đã không khuất phục được o Lệ, nhân vật chính trong bức ảnh lịch sử. Nhưng khoảng thời gian 40 năm đi “đòi” sự công bằng, có lẽ, đã khiến niềm tin nơi o về 0.
O Lệ có giấy xác nhận là cơ sở liên lạc giữa điệp báo thị trấn Quảng Hà với xã đội Triệu Thượng, tham gia kháng chiến từ tháng 4.1966, có Huân chương Kháng chiến hạng Ba ghi thời gian tham gia kháng chiến 9 năm 4 tháng. Nhưng đến khi làm thủ tục chế độ, “chú cán bộ”, “Khi o tham gia kháng chiến còn chưa sinh” bắt bẻ: “Làm chi có chuyện tham gia kháng chiến từ khi 11 tuổi?”.
“Bi kịch niềm tin” cũng đến với một du kích khác là o Hương. Năm 1973, o Hương đã chạm bom bi khi san lấp hố bom trên mặt đường thông xe cho đoàn Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tuyến lửa Quảng Trị . Tình trạng của o bấy giờ đã thập tử nhất sinh với 8 đoạn ruột bị đứt. Đoàn xe chạy tới thấy người bị thương đã lập tức chở người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Vĩnh Linh.
Sau hàng thập kỷ gửi hồ sơ chính sách “như đi xin xỏ”, o được giải thích: O bị thương năm 1973 ở Bắc cầu Hiền Lương, mà từ miền Bắc năm 1972 là đình chiến, hòa bình, nên không làm (chế độ) được. Người ta còn bảo: “Nếu thời điểm đó, o bị thương ở phía Nam cầu Hiền Lương mới được giải quyết chế độ chính sách”!!!
Các o du kích, đến hôm qua, đã trên dưới 60, sẽ còn tiếp tục phải chờ. Bởi cũng hôm qua, tư lệnh ngành Lao động- Thương binh và xã hội trong một bài trả lời dài trên truyền hình quốc gia, đã mang đến cho những o du kích và có lẽ không nhiều những người có công còn lại khác, một thông điệp rằng “Sẽ tiếp tục giải quyết”.
“Tôi đã chỉ đạo thanh tra 37 tỉnh. Đến nay đã cắt giảm chế độ đối với 7.000 trường hợp gian lận, thu hồi trên 75 tỷ đồng”. Và “Hiện nay việc gian lận hồ sơ để hưởng chính sách chưa phải đã hết”- bà nói.
Tán thành với bà Bộ trưởng. Chính sách gì cũng cần được tạo dựng trên lẽ công bằng. Nhưng công bằng trong việc “sòng phẳng với những gian lận” chỉ là một nửa. Thế còn những người đã không hề tiếc máu xương, tuổi trẻ vẫn đang chờ đợi lẽ công bằng? Đã hơn 40 năm sau cuộc chiến Thành cổ. Đã ngót 40 năm sau ngày đất nước giải phóng, thời gian quá dài, quá lâu để Nhà nước thực hiện nghĩa vụ “sòng phẳng” với những người có công. Và cần phải thẳng thắn rằng 7.000 gian lận, hay 75 tỷ chi sai, không phải là lý do đế chúng ta tiếp tục “cẩn trọng” với những người quỹ sức khỏe đang cạn kiệt, quỹ thời gian không còn nhiều.
Có thể, những người thực thi chính sách không đủ vốn sống để tưởng tượng rằng người ta có thể tham gia kháng chiến từ năm 11 tuổi. Nhưng đó không phải là lý do để buộc người khác phải “xin xỏ”.
40 năm là quá lâu, và sự chậm trễ, không phải bởi thiếu tiền, mà có lẽ, là những máy móc trong cả việc ban hành lẫn thực thi để luôn có những rào cản. Khoảng cách một bước chân giữa bờ Bắc và bờ Nam cầu Hiền Lương chẳng hạn.