Tên Voi Hămđi ở Bắc Giang

ChanVụ án Nguyễn Thanh Chấn cho thấy một sự thật khủng khiếp, rằng bất cứ ai cũng có thể bị tuyên phạm tội giết người.

Ngày 18.3.2013 bức thư với vô số lỗi chính tả được gửi tới một trụ sở cảnh sát. Thư viết: “Dù sao đi chăng nữa, tôi cũng đã làm một việc xấu, tôi hổ thẹn khi phải sống với tội lỗi này suốt nhiều năm qua. Tôi không biết phải nói như thế nào để xin lỗi, nhưng thực sự tôi đã dằn vặt quá lâu. Nếu tìm được tung tích người chủ năm xưa thì xin hãy nói với ông ấy tôi là một người ngu ngốc vì đã làm điều xấu xa, tôi thực sự xin lỗi”.
Bức thư của kẻ trộm nặc danh được gửi kèm 1.200 USD. Theo giải thích, đó là số tiền cả gốc lẫn lãi mà “trên trộm” đã đột nhập vào một cửa hàng ở 37 Michigan, Middleville, Mỹ và lấy đi từ… 30 năm trước.
Cứ ngỡ “lương tri kẻ cắp” chỉ có thể là chuyện xảy ra bên Mỹ, thì hôm qua, một kẻ sát nhân đã bất ngờ ra tự thú, thừa nhận mình là kẻ giết người trong một vụ án mạng từ 10 năm trước ở thôn Me, Việt Yên, Bắc Giang.
10 năm trước, xảy ra 1 vụ án mạng.
10 năm trước, một “tên giết người” bị phán quan của đủ các cấp tuyên án chung thân về một hành vi mà vợ con ông không dám ngẩng mặt nhìn đời, một tội ác 3 đời chưa rửa hết nhục.
10 năm qua, “tên giết người lương thiện” đó không ngừng kêu oan.
Tiếng kêu oan thấu trời xanh đó, chắc chắn sẽ chỉ vô vọng, lọt thỏm trong tường đá nếu như hung thủ thực sự không ra đầu thú.
Không có một bức thư với những lời lẽ ăn năn hối cải, kẻ sát nhân thực sự chỉ lẳng lặng nộp mình. Anh đã sống trong dằn dặt với hành vi cướp của giết người? Anh ta ân hận vì hành động xấu xa của mình đã tước đoạt mạng sống của người khác? Hay anh day dứt khi vô tình đẩy một người lương thiện vào lao lý với nỗi oan khuất suốt 10 năm qua?
Có lẽ là tất cả.
Và trước lời sám hối, dẫu là muộn mằn đó, đã  khiến những giọt nước mắt rơi. Giọt nước mắt oan khuất, tủi nhục của người tù oan. Giọt nước mắt của lương tri xã hội trước những phán quan nhân danh pháp luật từng giết chết lẽ công bằng của công lý bằng sự thiếu trách nhiệm của mình. Và cả những giọt nước mắt cảm phục của người dưng, khi biết rằng hóa ra lương tâm vẫn là thứ có thật ở trên đời khi ngay một kẻ giết người từng giết người cũng còn biết sám hối.
Nhưng khi lương tâm kẻ cướp lên tiếng, cũng chính là lúc dư luận xã hội đặt ra một câu hỏi lương tâm khác.
Vì sao người ngay vẫn bị tống vào tù khi mà có đến 3 cơ quan tố tụng ăn lương chỉ để làm mỗi việc là “không bỏ sót tội phạm nhưng cũng không làm oan người ngay”?
Họ điều tra, tuy tố và xét xử thế nào mà buộc được một người vô tội tay chưa từng vấy máu phải nhận tội giết người?
Có thể, chỉ ngay ngày mai, Bắc Giang sẽ đổ thừa tại “Kẻ sát nhân vô tội” có lúc vẫn ký tên thừa nhận tội giết người trong những bản khai.
À, thế ra khi viết “Tên Hămđi biệt hiệu Con Voi đã bị bắt như thế nào”, Azit Nexin lại lấy thực tế từ Bắc Giang!.