Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật

“Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.
Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người cơ bản trong luật thì được?.


Có một chi tiết đáng chú ý trong Hiến pháp sửa đổi lần này, đó là “Quyền con người”, “quyền công dân” được đưa ngay trong chương II, thay vì là chương V như Hiến pháp 1992.
Người coi đó là chuyện nhỏ, thì đúng là 1,2, hay 5 chỉ là số thực tự thông thường. Nhưng trong đạo luật quan trọng nhất của một quốc gia là hiến pháp, đó là thứ tự tự không theo bảng chữ cái A, B, C. Và hơn cả số thứ tự, nó cho thấy nhận thức tiến bộ và văn minh của các nhà làm luật.
Tiến bộ như 56 năm trước, trong bản Hiến pháp đầu tiên, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định ngay tại chương II. Văn minh ở chỗ, quyền con người được nâng cấp trong thang bậc thứ tự quan trọng của đạo luật gốc như những điều mà thế giới đã làm từ thế kỷ trước.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ…”.Hiến pháp, theo tư tưởng của ông Cụ, được PGS, TS. Tường Duy Kiên, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn lại: “là đạo luật bảo vệ quyền con người”.
Nhưng mãi cho đến năm 1992, lần đầu tiên “quyền con người” mới được thừa nhận trong Hiến pháp 1992, và theo TS Kiên, chủ yếu là để “làm công tác đối ngoại”. Hoặc đó là những “quy định quá chung về quyền con người; chưa phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân; chưa xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người”- như đánh giá của Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Dự thảo hiến pháp được trình bày tại QH sáng nay, đã có hàng loạt điều chỉnh quy định các chi tiết về quyền công dân, quyền con người:
Quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vì bất kỳ lý do nào; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý; Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Và “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Những chế định đó hoặc được chi tiết hóa, cụ thể hóa, “mới tinh hóa” trong bản dự thảo, đọc nghe thật thích.
Nhưng để sự tiến bộ trong đạo luật gốc trở thành thực tiễn trong cuộc sống, có lẽ cũng không hề đơn giản. Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, với tư cách là người có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ đã nói, rất giản dị rằng: Một dự án luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình là cần thiết vì thực tế đang đòi hỏi và Luật Biểu tình là thực hiện theo Hiến pháp, với quy định công dân được biểu tình. Chính phủ chấp nhận Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ thậm chí là người có sáng kiến xây dựng luật, dù có thể các cuộc biểu tình sẽ là nơi nhân dân tỏ thái độ, hoặc ủng hộ, hoặc chưa ủng hộ với Chính phủ. Ấy thế mà ngay trước đó, một đại biểu dân cử phát ngôn “Biểu tình là sự ô nhục”, và ngay sau đó, cũng một đại biểu dân cử khác lại bác bỏ với lý do nhạt toẹt:“Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.
Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người cơ bản trong luật thì được? Với lý luận thô thiển như vậy, thì quyền con người từ Hiến pháp đến đời sống, có lẽ, phải tính bằng những “chu kỳ nhận thức”.
“Nợ dân” là từ mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã dùng bởi 20 năm sau khi được đưa vào Hiến pháp, Quốc hội vẫn “nợ dân” luật Biểu tình. Nhưng luật Biểu tình, chỉ là một trong số vô số những món nợ khác trong việc luật hóa các quyền con người, quyền công dân cơ bản:quyền lập hội, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân…
Cái khó, nằm trong đầu những đại biểu sẽ bấm nút. Cái khó, còn là món nợ lưu niên chưa biết bao giờ mới trả.


  1. thang

    Tiến bộ như 56 năm trước: 66 năm chứ bác(1946)

  2. Tư còm

    Luật không bằng lệ, hiến phap không bằng nghị quyết bàn vào chỉ mất thời gian.
    Không nhớ cụ nào đã nói:HP trước tiên là để phục vụ cho tầng lớp cai trị, còn nhân dân hãy đợi đấy.

  3. Xào đi xào lại cuối cùng cũng là “quyền” bánh vẽ, thực quyền nằm trong tay lũ đày tớ chúng ta…

  4. Nguyễn Xuân Đông

    Hiến pháp (trong một xã hội dân chủ) về bản chất là một bản khế ước xã hội – một hợp đồng giao kèo xã hội giữa nhà nước (người đại diện cho công dân) và số đông công dân (những người chủ đích thực của xã hôi). Vì trong một xã hội dân chủ thì theo lý thuyết , số đông công dân trong xã hội phải thuê “nhà nước” thay mặt họ đứng ra cai quản xã hội. Trong trường hợp này thì công dân là chủ, còn nhà nước chính là người làm thuê hoặc đại diện cho ông chủ (như luật sư đại diện cho thân chủ trong các giao dịch pháp luật vậy). Để đảm bảo người thuê (hoặc người đại diện) không xù nghĩa vụ, hoặc quay trở lại phản chủ, số đông công dân đó đã buộc nhà nước phải soạn ra một “giao kèo” rằng: anh (tức nhà nước) chỉ được làm những gì trong khế ước này quy định, còn chúng tôi (với tư cách là những ông chủ) sẽ được làm tất cả những gì mà khế ước này không cấm.Đấy cũng là luật chơi chung của toàn xã hội. Thường vào thời kỳ đầu của một chế độ dân chủ mới thì khế ước thường được soạn ra rất khách quan, đảm bảo công bằng cho tất cả các lực lượng tham gia vào hoạt động sống của xã hôi (Đó cũng là lý do tại sao Hiến pháp năm 1946 của nước ta rất văn minh là vì vậy).Tuy nhiên, khi chế độ chính trị đó đi vào thời kỳ suy tàn thì “khế ước” này không còn được nhà nước (thực chất giờ đây trở thành đại diện cho một nhóm lợi ích tiếm quyền trong xã hội) tôn trọng nữa. Giai cấp thống trị tìm cách thay đổi nội dung “khế ước” hoặc bỏ khế ước cũ thay bằng khế ước mới do chính họ soạn ra nhằm bảo vệ tối đa lợi ích nhóm của tầng lớp cầm quyền. Lịch sử Hiến pháp nước ta đã chứng minh điều đó. Với lôgic như vậy, đừng mong Hiến pháp hiện nay ở nước ta sẽ thay đổi theo hướng tích cực, mà ngược lại các nội dung vốn có của nó sẽ được giai cấp cầm quyền sửa đổi theo hướng tiêu cực hơn đối với số đông công dân. Chỉ xây dựng một xã hội đa nguyên, đa đảng mới có thể mong có một hiến pháp tiến bộ, một hiến pháp thực sự của nhà nước pháp quyền (chứ không phải nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa) như đang tuyên truyền.
    Đây là suy nghĩ của tôi, mời quý vị bình và bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp. Cám ơn

  1. 1 Tin thứ Ba, 30-10-2012 « BA SÀM

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật […]

  2. 2 Cập nhật Tin thứ Ba, 30-10-2012 | Dahanhkhach's Blog

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật (Đào […]

  3. 3 NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 30-10-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật (Đào […]

  4. 4 Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật « Hãy dành thời gian

    […] Theo Đào Tuấn blog […]

  5. 5 TTXVA | Điểm Tin Thứ Tư 31/10/2012

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật Tue, Oct 30, 2012 […]

  6. 6 Tin ngày 31/10/2012 | Dahanhkhach's Blog

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật Tue, Oct 30, 2012 […]

  7. 7 Quyền con người | ÁO TRẮNG ƠI

    […] Theo blog ĐT, đầu đề của QC […]

  8. 8 HOT – TIN NÓNG TRONG NGÀY | Dahanhkhach's Blog

    […] Cái khó, nằm trong đầu những đại biểu sẽ bấm nút. Cái khó, còn là món nợ lưu niên chưa biết bao giờ mới trả. Đào Tuấn […]

  9. 9 Quyền con người | Chau Xuan Nguyen & all posts

    […] Theo blog ĐT, đầu đề của QC […]

  10. 10 Quyền con người « TIẾNG NÓI VIỆT NAM

    […] Theo blog ĐT, đầu đề của QC […]

  11. 11 TIN TỨC HÀNG NGÀY – ONLINE : ĐIỂM TIN THỨ TƯ 31-1O-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

    […] Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật Tue, Oct 30, 2012 […]




Bình luận về bài viết này